Phản ánh đúng xu hướng của vốn đầu tư
Ngày 26/9, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ hết sức quan trọng, góp phần phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương cho biết, mặc dù tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm chưa như kỳ vọng (ước đạt 46,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao) nhưng đã phản ánh đúng xu hướng, đặc thù của vốn đầu tư, đó là đầu năm thi công tích lũy khối lượng, cuối năm triển khai thanh toán.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, 2 cơ quan Trung ương và 10 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt trên 70% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tuy nhiên, 39/51 bộ, cơ quan Trung ương và 22/63 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước (46,70%). Trong đó, 14 bộ, cơ quan Trung ương và một địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới 20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhận định, có nhiều tồn tại thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau ảnh hưởng đến việc giải ngân, trong đó phân thành 3 nhóm chính. Đó là: Nội dung liên quan đến thể chế, chính sách, chủ yếu về lĩnh vực đất đai, tài nguyên - môi trường, xây dựng, đấu thầu…; khó khăn liên quan đến tổ chức triển khai thực hiện; tính đặc thù của kế hoạch năm 2022.
Nhiều khó khăn trong giải ngân vốn
Báo cáo tại hội nghị, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM nhìn nhận, TP.HCM là một trong những địa phương giải ngân thấp nhất. Báo cáo kết quả cập nhật đến ngày 23/9, thành phố (TP) đã giải ngân được 10.877 tỷ đồng, tính trên tổng số 37.997 tỷ đồng chiếm 25%. Vốn ngân sách Trung ương chỉ giải ngân được 91 tỷ đồng, đạt 3,6%.
Các dự án lớn như Tham Lương - Bến Cát, Quốc lộ 50, An Phú với gần 1.700 tỷ đồng, cố gắng đến cuối năm xong. 2 dự án vốn vay nước ngoài là vệ sinh môi trường TP giai đoạn 2 và giao thông xanh thì khả năng không hết vốn kế hoạch năm, khoảng 600 tỷ đồng.
Phân tích về nguyên nhân, ông Mãi cho biết, trước đây các dự án của TP tách phần giải phóng mặt bằng với phần xây lắp, sau này nhập lại thì điều chỉnh hồ sơ dự án mất rất nhiều thời gian. Vì vậy, các dự án điều chỉnh chưa xong thì các tháng đầu năm chưa giải ngân được.
Ông Phan Văn Mãi kiến nghị chính phủ sớm lập tổ công tác tháo gỡ vướng mắc cho TP.HCM. |
TP đã thành lập các tổ chuyên ngành để rà soát từng dự án với chủ đầu tư, đồng thời lên kế hoạch giải ngân từ đây đến cuối năm. Có nhiều dự án khả năng đến tháng 11, 12 sẽ giải ngân đạt kế hoạch. Tuy nhiên đến giờ này giải ngân bằng 0.
Bên cạnh đó, TP cũng gặp khó khăn về vấn đề giá cả vật liệu xây dựng, nhân công làm cho các nhà thầu thi công cầm chừng. Về các thủ tục đối với các dự án có vốn ODA, TP sẽ phối hợp với các bộ, ngành, các nhà tài trợ để tiếp tục thực hiện. “Thời gian sắp tới, TP sẽ tập trung vào trách nhiệm của từng chủ đầu tư, từng dự án qua kế hoạch giải ngân từ đây đến cuối năm. Thứ hai là các tổ công tác, tổ ODA sẽ rà soát theo nhiệm vụ này để tháo gỡ” - ông Mãi cho hay.
Ngoài ra, ông Mãi kiến nghị Chính phủ thống nhất vốn kế hoạch 2022, với số tiền là 42.508 tỷ đồng, đồng thời đề nghị Thủ tướng sớm có quyết định thành lập tổ đôn đốc để giúp cho TP giải quyết các vướng mắc liên quan đến đầu tư công và những nhiệm vụ khác.