Bảo hiểm Xã hội TP.HCM cho biết, đây là các doanh nghiệp chậm đóng từ 6 tháng trở lên, tính đến cuối năm 2021. Ngoài những đơn vị nợ suốt thời gian dài, không còn khả năng trả thì còn có thêm một số công ty lớn cũng chậm đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Lý do nợ bảo hiểm xã hội là do dịch bệnh Covid-19 nên nhiều doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất. Ngoài ra, theo chỉ đạo của Chính phủ, hoạt động thanh tra của ngành bảo hiểm xã hội cũng tạm dừng, không kịp thời nhắc nhở, xử phạt cũng khiến nợ tăng lên.
Một trở ngại khác trong công tác thu hồi nợ bảo hiểm là việc xử lý đối với doanh nghiệp phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn, ngừng hoạt động... vẫn chưa được cơ quan chức năng hướng dẫn rõ ràng. Nhiều doanh nghiệp khi để nợ số tiền lớn thay địa điểm, đổi tên, sang nhượng cho người khác. Ngoài ra, một số đơn vị dù đã bị thanh tra nhiều lần nhưng vẫn chây ì, không khắc phục.
Để đảm bảo quyền lợi ốm đau, thai sản, hưu trí cho người lao động ở những nơi để nợ bảo hiểm, cơ quan này cho phép doanh nghiệp tách riêng các trường hợp này ra để đóng trước. Sắp tới, Bảo hiểm Xã hội TP.HCM sẽ tăng cường công tác thanh tra các doanh nghiệp để nợ. Từ ngày 17/1/2022, quy định xử phạt ở mức cao hơn đối với đơn vi chậm hoặc trốn đóng. Bảo hiểm Xã hội TP.HCM cũng đề nghị cơ quan công an xử lý hình sự một số đơn vị để nợ kéo dài, trốn đóng bảo hiểm làm ảnh hưởng nhiều lao động.
Hiện quy định đóng bảo hiểm xã hội ở mức 30,5% lương cơ sở (cho quỹ hưu trí, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bảo hiểm y tế...), trong đó phía doanh nghiệp đóng 20%, người lao động đóng 10,5%. Mức đóng bảo hiểm xã hội tối đa bằng 20 tháng lương cơ sở (1,49 triệu đồng/tháng), tức là 29,8 triệu đồng. Khi doanh nghiệp chây ì, người lao động sẽ không được hưởng những quyền lợi trên.
Theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội TP.HCM, đến cuối năm 2021, hơn 93.000 doanh nghiệp tham gia bảo hiểm với tổng số lao động trên 2,2 triệu người. Trong năm 2021, đơn vị này ghi nhận khoảng 200.000 lao động nghỉ việc, dừng đóng bảo hiểm xã hội.