Trong đó, thu nội địa 254.058 tỷ đồng, đạt 97,88% dự toán, tăng 19,32%; thu từ dầu thô gần 24.000 tỷ đồng, vượt 128% dự toán, tăng 100,1%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 114.765 tỷ đồng, đạt 98,51% dự toán, tăng 19,29% so cùng kỳ.
Tại cuộc họp chiều 1/11 tại UBND TP.HCM, đại diện Sở Tài chính TP.HCM cho biết, một số khoản thu đột biến như thu tiền sử dụng đất tăng 2 lần so cùng kỳ năm ngoái, nhiều đơn vị nộp tiền thuê đất một lần, nộp sớm so với quy định. Bên cạnh đó, 4 ngành công nghiệp trọng điểm tăng trưởng tích cực, ước tăng 22,5% so với cùng kỳ; tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, doanh thu du lịch, kinh ngạch xuất khẩu tăng mạnh.
Dù tổng thu ngân sách về đích sớm nhưng tình hình giải ngân vốn của thành phố khá thấp. Sau 10 tháng, TP.HCM mới giải ngân vốn đầu tư công được hơn 23.247 tỷ đồng, đạt 53,1% dự toán.
Theo UBND TP.HCM, năm nay, Trung ương giao TP.HCM thu ngân sách 386.568 tỷ đồng, bình quân một ngày thu 1.058 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ sau 10 tháng, TP.HCM đã hoàn thành việc thu ngân sách, vượt dự toán cả năm 2022 là 1,61% và tăng 22,33% so cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh kết quả đạt được, TP.HCM cũng đối mặt nhiều thách thức, mà nổi lên là nguy cơ thiếu hụt xăng, dầu. Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương cho biết tính đến trưa 1/11, trước thời điểm điều chỉnh giá xăng, có 108/550 cửa hàng thiếu xăng, có 4 cửa hàng đang sửa chữa và làm thủ tục đóng cửa. Trước mắt, TP.HCM huy động doanh nghiệp có lượng nhập và phân phối lớn gồng gánh, trong đó Petrolimex hoạt động với 200% công suất để đảm đương cho các đơn vị đang thiếu hụt để khắc phục một phần khó khăn.