Theo đó, 16 nút giao này được đề xuất làm sớm vì có nguy cơ ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông. Trong đó, nút giao Ngã tư đình (đường Nguyễn Văn Quá - Quốc lộ 1, quận 12) đã được phê duyệt dự án đầu tư. Sở GTVT kiến nghị UBND TP.HCM giao Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương rà soát, thực hiện các thủ tục bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 (khoảng 398 tỷ đồng) và kế hoạch đầu tư công năm 2022 (khoảng 10 tỷ đồng) để sớm triển khai, thực hiện phát huy mục tiêu và hiệu quả đầu tư các dự án.
5 dự án nút giao đã được HĐND TP.HCM phê duyệt chủ trương đầu tư công gồm Linh Xuân (Quốc lộ 1 - 1K), Nguyễn Thị Định - Nguyễn Duy Trinh (thành phố Thủ Đức); Ngã tư Bốn Xã (Thoại Ngọc Hầu - Hương Lộ 2 - Lê Văn Quới, quận Tân Phú, Bình Tân); Ngã bảy Điện Biên Phủ - Ngô Gia Tự - Lý Thái Tổ - Lê Hồng Phong và Ngã sáu Nguyễn Tri Phương - Ngô Gia Tự - Nguyễn Chí Thanh (quận 10).
10 nút giao còn lại chưa được duyệt chủ trương đầu tư. Trong đó, nhiều nút giao thường xuyên ùn tắc như Ngã năm Đài Liệt sỹ (quận Bình Thạnh), Lạc Long Quân - Âu Cơ (Tân Phú), Nguyễn Kiệm - Phan Đăng Lưu (Phú Nhuận), Quốc lộ 1 - đường Vườn Lài (quận 12)...
Sở GTVT kiến nghị được bố trí 5 tỷ đồng (tương ứng mỗi dự án 500 triệu đồng) để thực hiện các bước chuẩn bị như lập, thẩm định, quyết định chủ trương...
Tính đến năm 2021, mạng lưới giao thông TP.HCM có tổng chiều dài các tuyến đường hơn 4.734km, số lượng cầu đường bộ là 1.160 cầu, tổng diện tích mặt đường là hơn 50 triệu m2. Mật độ giao thông đạt 2,26km/km2, tỷ lệ đất dành cho giao thông đạt 12,76%. Theo quy hoạch hệ thống nút giao thông trên địa bàn thì thành phố có 102 nút giao thông chính, trong đó 68 nút giao trên các tuyến vành đai, cao tốc, quốc lộ và 34 nút trên các tuyến nội đô.
Đến nay, TP.HCM chỉ mới hoàn thành đầu tư 29/102 nút giao thông, tỷ lệ khoảng 28%. Trong 29 nút giao thông có 16 nút trên quốc lộ 1, một nút trên quốc lộ 22 và một nút trên Vành đai 2. Khu vực nội đô có 9 cầu vượt thép, 2 nút giao trên Xa lộ Hà Nội.