Trong nước

TP.HCM: Đẩy mạnh mở rộng thị trường xuất khẩu Halal

Thanh An 31/10/2023 17:41

Trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác và phát triển ngành Halal trong khối ASEAN do UBND TPHCM tổ chức ngày 31/10, lãnh đạo TP.HCM cùng các doanh nghiệp đã nhận thấy tiềm năng của thị trường xuất khẩu Halal cho sự phát triển kinh tế đất nước trong tương lai.

Cụ thể, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nhận định, thị trường Halal (sản phẩm dành cho các quốc gia hồi giáo) toàn cầu, là một trong những thị trường có tiềm năng rất lớn xét về quy mô, mức tăng dân số, mức chi tiêu, sự đa dạng cũng như triển vọng tăng trưởng. Hiện nay, hơn 2 tỷ người Hồi giáo sinh sống tại 112 quốc gia, trong đó có 57 quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), chiếm 25% dân số thế giới.

c273f44dd3013a5f6310.jpg
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm đạt tiêu chuẩn Halal tại diễn đàn.

Đối với Việt Nam, việc tham gia vào thị trường xuất khẩu Halal là cơ hội để thu hút các nhà đầu tư và du khách Hồi giáo đến kinh doanh cũng như du lịch, góp phần phát triển đất nước và tăng cường hợp tác với 57 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC).

Có thể thấy, đây là chiến lược phát triển kinh tế đầy triển vọng của Việt Nam, nhất là khi chi tiêu cho thực phẩm Halal của cộng đồng Hồi giáo toàn cầu ngày càng cao, dự kiến đạt 1.900 tỷ USD vào năm 2024 và 15.000 tỷ USD vào năm 2050, theo báo cáo của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO).

Trong khi đó, Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu nông, thủy sản lớn trên thế giới với nhiều mặt hàng phù hợp nhu cầu của người Hồi giáo, như gạo, cao su, chè, điều, cà phê, hồ tiêu, tôm, cá… Riêng tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đã hợp tác giao thương với Malaysia, Indonesia, và Singapore trong chế biến xuất khẩu, giúp mở rộng sản phẩm Halal sang các nước Trung Đông và thâm nhập thị trường toàn cầu.

28167998a3-2fdf-4420-9c70-51156b710b8d.png
Doanh nghiệp Việt giới thiệu sản phẩm đạt tiêu chuẩn Halal tại Hội chợ FLAsia 2023.

Tuy nhiên, theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, mặc dù thị trường Halal rộng lớn, hứa hẹn tạo cơ hội cho doanh nghiệp thực phẩm tăng kim ngạch xuất khẩu nhưng thực tế xuất khẩu thực phẩm của các doanh nghiệp vào thị trường này mới chỉ là bước đầu khai phá. Sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là nông, thủy sản nhưng ở dạng thô, sơ chế và chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu. Năng lực xuất khẩu và thương hiệu ở top 20 thế giới nhưng Việt Nam chưa có tên trong danh sách 20 - 30 nước cung cấp thực phẩm Halal tiêu biểu của toàn cầu. Bình quân, mỗi năm Việt Nam có 50 doanh nghiệp - một con số khá thấp so với tiềm năng được cấp chứng nhận Halal với các sản phẩm chủ yếu là hải sản, đồ uống, bánh kẹo, đồ ăn chay…

Để các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Halal hiện nay không hề dễ dàng, do nước ta chưa có cơ quan nhà nước hướng dẫn và cấp chứng nhận về tiêu chuẩn Halal, thay vào đó là một số tổ chức tư nhân cấp chứng nhận, khiến doanh nghiệp khó tiếp cận và phát sinh chi phí; từ đó làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa.

Bên cạnh đó, giấy chứng nhận Halal lại không có giá trị vĩnh viễn, không được công nhận như nhau ở tất cả các quốc gia với tất cả mặt hàng. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp phải tái chứng nhận nhiều lần, và phải căn cứ vào từng thị trường xuất khẩu để đăng ký chứng nhận phù hợp.

Ngoài ra, sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là nông, thủy sản nhưng ở dạng thô, sơ chế và có giá trị chưa cao. Năng lực xuất khẩu và thương hiệu ở top 20 thế giới, nhưng Việt Nam chưa có tên trong danh sách 20 - 30 nước cung cấp thực phẩm Halal tiêu biểu toàn cầu.

Vì vậy, trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu Halal. Điển hình như gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030"; thúc đẩy xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia - TCVN về lĩnh vực Halal và xây dựng đề án thành lập Trung tâm chứng nhận Halal quốc gia. Đồng thời, Chính phủ cũng đang tích cực làm việc với các tổ chức chứng nhận Halal trên thế giới, để triển khai ký kết việc thừa nhận lẫn nhau đối với một số tiêu chuẩn kỹ thuật nhất định.

Về phía lãnh đạo TP.HCM, thời gian qua luôn ưu tiên chính sách phát triển công nghiệp Halal, đặc biệt là lương thực thực phẩm; đồng thời triển khai đề án tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030. Thành phố cũng đề nghị các Sở ngành, Hiệp hội doanh nghiệp và Hội Lương thực Thực phẩm, phối hợp với lãnh sự quán các nước triển khai hội thảo và diễn đàn gặp gỡ doanh nghiệp. Ngoài ra, lãnh đạo thành phố đang tìm hiểu khó khăn thực tế của doanh nghiệp, ví dụ khả năng đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu Halal vào thị trường Hồi giáo. Từ đó, tham mưu đề xuất UBND các giải pháp hỗ trợ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TP.HCM: Đẩy mạnh mở rộng thị trường xuất khẩu Halal
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO