Thời sự

TP.HCM cần quy hoạch để nhận diện hết điểm nghẽn

PV 28/02/2024 22:00

Sáng 28/2, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã đồng chủ trì Hội thảo tham vấn quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo ông Nguyễn Chí Dũng, TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn hàng đầu của cả nước, là đô thị đặc biệt, nhưng thời gian qua sự phát triển của Thành phố gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể, nhiều tiềm năng chưa được khai thác tương xứng, nhiều lĩnh vực đang có sự suy giảm, lợi thế về cửa ngõ quốc tế của TP.HCM có thể suy giảm thời gian tới khi sân bay quốc tế Long Thành đi vào hoạt động, đặc biệt, tỉ lệ đóng góp GDP năm 2023 chỉ còn 16,5%... Vì thế, ông Dũng mong rằng, sẽ có nhiều ý kiến đóng góp giúp Thành phố có thông tin dữ liệu hoàn thành quy hoạch có chất lượng cao nhất, hiệu quả và khả thi.

sg-28-8033-5954-2692.jpeg.jpg
Hội thảo được kết nối trực tuyến với lãnh đạo TPT.HCM, lãnh đạo các sở, ban, ngành của Thành phố.

Đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhận định, TP.HCM tiếp tục giữ vai trò là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa xã hội của đất nước, vì thế, cần quy hoạch làm sao để nhận diện hết điểm nghẽn, khai mở hết tiềm năng của Thành phố.

Ông Mãi cũng cho rằng, TP.HCM cần đặt trong bối cảnh liên kết vùng, liên kết quốc tế, mà trước tiên là vùng Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Từ đó, cần xác định lợi thế cạnh tranh để có hướng đi phù hợp.

Theo GS-TS. Trần Trọng Hanh, chủ nhiệm đồ án quy hoạch TP.HCM, Thành phố hiện có quy mô dân số cao (gần 10 triệu dân), tuy nhiên, quỹ đất còn rất ít. Vì thế, phải lựa chọn mô hình phát triển kinh tế đa cực thay cho mô hình đơn cực (vết dầu loang) như cũ. Ngoài ra, cũng cần chú ý phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

TS. Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần làm rõ vai trò của T.HCM trong vùng khu vực. Trước đây, TP.HCM là thành phố tiêu biểu của việc đổi mới sáng tạo nhưng giờ đã trở nên dè dặt hơn. Cũng theo ông Sinh, mức tăng trưởng của Thành phố phải đạt 9% để kéo cả vùng cùng đạt mức tăng trưởng này.

Ông Chris Malone - Giám đốc Điều hành của Boston Consulting Group (BCG) cho rằng, đồ án quy hoạch khá tập trung vào phát triển không gian, cần chú trọng hơn về phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời chú trọng động lực phát triển kinh tế của TP.HCM và đánh giá tác động của sự phát triển đó đến GDP. Ngoài ra, cần phát huy thế mạnh về đội ngũ nhân lực trẻ, thông minh, năng động với trình độ công nghệ cao để phát triển mạnh mẽ các ngành dịch vụ nói chung và dịch vụ phục vụ sản xuất nói riêng.

dia-diem-du-lich.jpg
Cần quy hoạch TP.HCM để trở lại vị trí hòn ngọc Viễn Đông

Kết luận hội thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trong các giải pháp đột phá, TP.HCM cần tập trung vào những vấn đề tiêu biểu gồm: Vấn đề ùn tắc giao thông, chống ngập úng, tập trung phát triển công nghiệp. TP.HCM phải đi đầu, mang tính dẫn dắt và lan tỏa, là cực tăng trưởng phía Nam và trở thành thành phố kết nối toàn cầu. Đẩy mạnh cơ cấu kinh tế bám sát xu hướng phát triển mới như kinh tế số, kinh tế xanh, khoa học công nghệ, AI. Đặc biệt nhấn mạnh định hướng trung tâm tài chính quốc tế. Việc chọn kịch bản tăng trưởng phải có sự phối hợp, rà soát kỹ lưỡng để có sự khả thi khi thực hiện.

Xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo; phát triển kết cấu hạ tầng xã hội một cách tổng thể, giải quyết ách tắc giao thông; có giải pháp đột phá trong huy động và phân bổ nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ các tuyến đường sắt đô thị, thông đường thủy và các tuyến đường ven sông.

Ông Dũng nhấn mạnh, cần nghiên cứu hoàn thiện hồ sơ, trình chính thức cho hội đồng thẩm định cuối tháng 4, đảm bảo đúng tiến độ hoàn thành trước 30/6.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TP.HCM cần quy hoạch để nhận diện hết điểm nghẽn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO