TP.HCM cần lấy lại vai trò hạt nhân vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

TS Trần Du Lịch| 14/04/2021 06:48

Cho đến nay, tuy TP.HCM vẫn đóng góp hơn 1/5 GDP và gần 30 % ngân sách cả nước, nhưng tỷ trọng trong một số ngành và lĩnh vực như: tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ tín dụng - ngân hàng, thu hút đầu tư... đều giảm dần. Đặc biệt, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) tuy có cải thiện, nhưng chủ yếu tăng trưởng vẫn dựa vào đầu tư vốn, sau đó mới đến yếu tố năng suất và lao động.

Ong-TDL-8578-1618216345.jpg

TS Trần Du Lịch

Điểm nghẽn hạ tầng, logistics

Năm 2020, lần đầu tiên tính từ ngày thống nhất đất nước vào năm 1975, tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn thành phố chỉ bằng khoảng 45% so với tốc độ tăng trưởng chung của cả nước (1,4% so với 2,91%). Sự sụt giảm có phần nguyên nhân khách quan từ đại dịch Covid-19, nhưng qua đó cho thấy, khả năng chống chịu trước những biến động bất thường của kinh tế Thành phố rất yếu và cũng bộc lộ những bất cập và khả năng thích ứng của cơ cấu kinh tế TP.HCM.

Một trong những bất cập đó là vấn đề hạ tầng, logistics vừa thiếu, vừa yếu. Nhìn lại quá trình phát triển Thành phố trong 20 năm qua, nhiều vấn đề đặt ra cho bài toán phát triển bền vững của một “siêu đô thị” cho đến nay, không những không giải quyết được, mà  càng gay gắt hơn. Đó là cơ cấu kinh tế không khai thác được thế mạnh về địa - kinh tế, nguồn nhân lực, tiềm năng khoa học - công nghệ... 

Từ giữa thập niên 1990, với định hướng về quy hoạch không gian đô thị theo hướng “đa trung tâm” với hệ thống giao thông kết nối theo đường “vành đai” 1, 2, 3... gắn TP.HCM với cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhưng cho đến nay dường như việc xây dựng đô thị vẫn theo kiểu “hướng tâm”, phát triển theo “vết dầu loang” và thậm chí chưa hình thành trọn vẹn được một đường vành đai nào. Hậu quả không chỉ là mục tiêu tăng tỷ trọng vận tải hành khách công cộng theo các mốc thời gian năm 2010, năm 2020... bị nhiều lần lỡ hẹn, các chương trình chống ngập, chống kẹt xe càng khó khăn hơn, mà còn là trở lực khai thác thế mạnh về cảng biển - logistics trên địa bàn.

Cuối cùng là sự bất cập trong mô hình quản lý một đô thị “loại đặc biệt” như TP.HCM, với hình tượng rất dễ hiểu là “Thành phố đang mặc chiếc áo quá chật so với cơ thể đang lớn nhanh”. Việc xây dựng mô hình chính quyền đô thị đặt ra và việc xây dựng đề án được tiến hành, nhưng cho đến nay vẫn chỉ được triển khai một phần nhỏ trong đề án này và bóng dáng của một “chính quyền đô thị” đang trông chờ ở thành phố Thủ Đức đang được triển khai.

Lấy lại vai trò đầu tàu

Thách thức đối với sự phát triển TP.HCM trong 10 năm tới là phải vượt qua những rào cản về tâm lý và thể chế để hình thành được tư duy đột phá về cơ cấu và thể chế về kinh tế. Phải làm thế nào để Thành phố trở thành một cổng thu hút các doanh nghiệp toàn cầu, là điểm đến cho các nhà đầu tư lớn trên thế giới.

Muốn làm được điều này, định hướng cơ cấu kinh tế Thành phố phải dựa trên quan điểm kinh tế vùng: xác lập vai trò hạt nhân phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hình thành cơ cấu kinh tế vùng, trong đó Thành phố phải giữ vai trò đầu tàu.

 Thành phố cũng cần phải xem lại định hướng 9 nhóm ngành dịch vụ và 4 nhóm ngành công nghiệp và sản phẩm chủ lực khi định hướng phát triển kinh tế Thành phố trong 10 năm tới. Nếu trong 10 năm tới, Thành phố vẫn định hướng như vậy e rằng không phù hợp. Do đó, Thành phố cần tham gia công đoạn có giá trị cao nhất trong chuỗi giá trị sản phẩm để nền kinh tế trong 10 năm tới phải là kinh tế số và sẽ là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo mang tính toàn cầu. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TP.HCM cần lấy lại vai trò hạt nhân vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO