Báo cáo thường niên Brand Footprint do Kantar Worldpanel thực hiện vừa công bố top 10 nhà sản xuất hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) và 10 thương hiệu ở các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp, chăm sóc gia đình, thực phẩm và đồ uống được chọn mua nhiều nhất ở 4 thành phố lớn (TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ) và nông thôn Việt Nam.
Đọc E-paper
Điểm khác biệt của bảng xếp hạng Brand Footprint chính là ở chỗ báo cáo này cung cấp thông tin về hành vi mua sắm của người tiêu dùng (NTD) trên thực tế chứ không dựa trên thị hiếu hay thái độ của họ đối với thương hiệu như ở các bảng xếp hạng khác.
Bảng xếp hạng được xây dựng dựa trên thước đo Điểm tiếp cận NTD (CRP). Đây là một thước đo đo lường bao nhiêu hộ gia đình trên thế giới có chọn mua một thương hiệu (tỷ lệ hộ mua) và mức độ thường xuyên mua (tần suất mua).
Unilever dẫn đầu bảng xếp hạng các nhà sản xuất với các thương hiệu đang sở hữu được chọn mua nhiều nhất ở nông thôn. Sản phẩm của nhà sản xuất này được chọn mua hơn 388 triệu lần một năm ở nông thôn Việt Nam và giữ vị thế vượt trội so với các nhà sản xuất khác với mức độ thâm nhập thị trường đạt gần 100% tổng số hộ gia đình chọn mua. Ở thành thị, Unilever đứng vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng, với các sản phẩm được NTD chọn mua 57 triệu lần trong năm qua.
Vinamilk dẫn đầu bảng xếp hạng các nhà sản xuất với các thương hiệu đang sở hữu được chọn mua nhiều nhất ở thành thị. Nhà sản xuất các sản phẩm sữa hàng đầu trong nước sở hữu một loạt các thương hiệu thực phẩm và sữa bao gồm Vinamilk, Ông Thọ, Ngôi Sao Phương Nam, SuSu..., đến được với 97% các hộ gia đình thành thị và được họ chọn mua gần 70 triệu lần trong năm 2014. Ở nông thôn, Vinamilk giữ vị trí thứ 3, đến được với 84% hộ gia đình nông thôn và được chọn mua 215 triệu lần.
P/S tiếp tục là thương hiệu được chọn mua nhiều nhất trong ngành hàng chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp ở cả thành thị và nông thôn. Sản phẩm mang thương hiệu P/S đến được với 83% hộ gia đình và được chọn mua 9 triệu lần ở thành thị. Ở nông thôn, P/S được chọn mua 66 triệu lần, đến được với 88% hộ gia đình.
Tất cả các thương hiệu với mức tăng trưởng tốt cho thấy họ rất chịu khó đầu tư để khai phá thị trường mới và thích ứng thương hiệu của mình với nhu cầu và thị hiếu của người dân địa phương. Các thương hiệu dẫn đầu các chiến dịch cộng đồng và xã hội cũng chính là những thương hiệu có mức tăng trưởng tốt.
Ví dụ như Dove đã làm một cuộc cách mạng về vẻ đẹp thực sự, kết nối với NTD ở phương diện cảm xúc cũng như khuyến khích họ tiêu dùng sản phẩm của thương hiệu này ở góc độ toàn cầu cũng như ở Việt Nam.
Dove (Unilever) là thương hiệu có mức tăng trưởng CRP cao nhất trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp, với mức tăng 25% trong năm qua, giúp thương hiệu này vươn lên vị trí thứ 8. Trong hạng mục này, lần đầu tiên Huggies lọt vào top 10 được chọn mua nhiều nhất ở thành thị.
Huggies đã tăng 37% điểm CRP và nhảy lên 4 bậc trong bảng xếp hạng. Với thế mạnh ở phân khúc tã quần, thương hiệu tã trẻ em này đã thắng lớn nhờ nắm bắt được nhu cầu cần sự tiện lợi nhiều hơn của NTD.
Ở nông thôn, Diana thu hút ngày càng nhiều người mua hơn nhờ tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm. Lần đầu tiên, Diana giành được vị trí trong top 10 nhờ tăng thêm 32% CRP so với năm trước và tăng 3 bậc trong bảng xếp hạng.
Sunlight thay thế Omo và trở thành thương hiệu chăm sóc gia đình được chọn mua nhiều nhất ở thành thị, với 9 triệu lần được chọn mua. Ở nông thôn, Omo tiếp tục giữ vững vị trí quán quân trong ngành hàng chăm sóc gia đình. Sản phẩm mang thương hiệu Omo được chọn mua gần 66 triệu lần. Omo là thương hiệu duy nhất trong ngành hàng này đến được với hơn 70% NTD nông thôn.
Vinamilk là thương hiệu thực phẩm được chọn mua nhiều nhất ở thành thị. Các sản phẩm thuộc ngành hàng thực phẩm của Vinamilk được chọn mua 23 triệu lần ở thành thị trong năm qua. Nam Ngư là thương hiệu thực phẩm được chọn mua nhiều nhất ở nông thôn. Các sản phẩm nước chấm mang thương hiệu Nam Ngư của Masan được chọn mua 160 triệu lần ở nông thôn.
Ở thành thị, Nam Ngư tiếp tục giữ vững vị trí thứ 2, và được chọn mua 16 triệu lần. Ở góc độ nhà sản xuất trong ngành hàng thực phẩm, Vinamilk nắm giữ các thương hiệu hàng đầu ở thành thị, trong khi Masan lại dẫn đầu ở nông thôn.
Ở thành thị, Vinamilk sở hữu 3 thương hiệu có mặt trong top 10 thương hiệu hàng đầu ngành thực phẩm, bao gồm Vinamilk, Ngôi Sao Phương Nam và Ông Thọ. Trong khi đó, Masan có 3 thương hiệu nằm trong bảng xếp hạng ở nông thôn, gồm Nam Ngư, Kokomi và Tam Thái Tử.
TH True Milk dẫn đầu về mức tăng trưởng CRP trong top 10 thương hiệu thức uống ở thành thị, tăng trưởng 27% trong năm qua và vượt lên 3 bậc trong bảng xếp hạng. Với chiến lược khác biệt hóa tập trung vào thông điệp sữa sạch, TH True Milk muốn nhắm đến ngôi vị dẫn đầu thị trường các sản phẩm sữa ở Việt Nam.
Thương hiệu tuy còn non trẻ nhưng đầy tham vọng này đã bắt đầu đa dạng hóa sản phẩm thông qua hàng loạt các dòng sản phẩm mới trong những năm gần đây, như sự ra đời của TH True Yoghurt trong năm 2013, dòng sản phẩm dành cho trẻ em TH True Milk Top Kid, và mặt hàng sữa thanh trùng vào đầu năm 2015.
>Vinamilk vượt Coca-Cola
>Hạt nêm, bột canh: Đậm phần ngoại, lạt phần nội
>Bí quyết của người đến sau