Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao, nhận lời mời của Chủ tịch nước Tô Lâm, Tổng thống nước Cộng hòa Dân chủ Timor Leste José Ramos-Horta sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 31/7 - 3/8.
Việt Nam và Timor Leste có quan hệ hữu nghị lâu đời. Việt Nam là một trong những nước đầu tiên công nhận Mặt trận Cách mạng vì một Timor Leste độc lập (FRETILIN) vào tháng 9/1975. Hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 28/7/2002.
Gần đây, quan hệ hai nước có những bước phát triển. Nổi bật là các chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Jose Ramos-Horta vào tháng 4/2010; Thủ tướng Xanana Gusmao năm 2013; Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác Hernani Coelho năm 2016; Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác Dionisio Babo Soares dự APEC năm 2018...
Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luận thăm chính thức Timor Leste vào tháng 1/2015; đặc phái viên Thủ tướng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tham dự kỷ niệm 20 năm trưng cầu dân ý về độc lập của Timor Leste tháng 8/2019.
Timor Leste chính thức mở Đại sứ quán tại Hà Nội từ tháng 4/2012. Đại sứ mới của Timor Leste trình Quốc thư ngày 18/6/2024. Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia kiêm nhiệm Timor Leste, đại sứ Tạ Văn Thông trình Quốc thư tháng 10/2022.
Trong những năm gần đây, do tác động của dịch Covid-19, kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước có xu hướng giảm. Trong đó năm 2021 đạt 33,5 triệu USD, năm 2022 đạt 17,6 triệu USD; năm 2023 đạt 15,9 triệu USD.
Trao đổi thương mại trong những năm qua mang tính một chiều, chủ yếu Việt Nam xuất khẩu sang Timor Leste. Trong đó, mặt hàng gạo chiếm hơn 90%, còn lại là hàng tiêu dùng, thực phẩm chế biến.
Ngoài ra, Timor Leste và Việt Nam đã ký Bản ghi nhớ về Thương mại gạo. Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 15.320 tấn gạo sang Timor Leste, trị giá gần 8,8 triệu USD. Trong 4 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu 3.866 tấn gạo sang Timor Leste, trị giá gần 2,6 triệu USD.
Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel đã có những hoạt động đầu tư đáng kể tại Timor-Leste thông qua công ty con là Telemor. Được thành lập vào năm 2012 , Telemor là một trong 3 công ty viễn thông chính tại quốc gia này. Telemor cung cấp dịch vụ di động và internet cho 90% dân số, đóng góp quan trọng vào sự phát triển hạ tầng viễn thông của Timor-Leste.
Telemor không chỉ cải thiện kết nối viễn thông mà còn tạo ra nhiều việc làm, thúc đẩy các hoạt động kinh tế liên quan đến công nghệ thông tin và truyền thông. Ngoài viễn thông, Viettel còn xem xét các cơ hội đầu tư khác tại Timor-Leste như nông nghiệp, dầu khí, và khai thác tài nguyên thiên nhiên...
Hai nước có tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp, dầu khí, thủy sản, xây dựng cơ sở hạ tầng; trao đổi hàng nông sản, dệt may, hàng tiêu dùng, máy công nghiệp, thiết bị điện, giáo dục, văn hóa, du lịch... Tuy nhiên, hợp tác giữa hai nước còn hạn chế.
Về hợp tác đa phương, hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác và phối hợp lập trường tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.
Tổng thống Timor-Leste, ông José Ramos-Horta là một trong những người sáng lập của Mặt trận Cách mạng cho một Đông Timor Độc lập (FRETILIN) và đã đóng vai trò then chốt trong cuộc đấu tranh giành độc lập từ Indonesia. Năm 1996, ông cùng Giám mục Carlos Filipe Ximenes Belo được trao giải Nobel Hòa bình vì những nỗ lực mang lại hòa bình cho Timor-Leste.
Sau khi quốc gia này giành được độc lập vào năm 2002, Ramos-Horta đảm nhận nhiều vị trí quan trọng trong chính phủ, bao gồm Bộ trưởng Ngoại giao và Thủ tướng, trước khi trở thành Tổng thống vào năm 2007 và tái đắc cử nhiều lần sau đó. Ông luôn đề cao tầm quan trọng của hòa bình và phát triển bền vững, chú trọng cải thiện quan hệ ngoại giao và kinh tế của Timor-Leste với các quốc gia khác.
Dự kiến trong thời gian thăm Việt Nam, Tổng thống Timor-Leste José Ramos-Horta sẽ dự lễ đón chính thức, hội đàm với Chủ tịch nước Tô Lâm và tham dự một số cuộc gặp, hoạt động quan trọng khác.