Nguyễn Văn Thể là một trường hợp khá đặc biệt của làng hội họa Việt Nam. Từ quê nhà Bình Lục, Hà Nam do cuộc sống ở nông thôn quá khó khăn, anh lên Sa Pa lập nghiệp, đã trải qua không ít công việc khác nhau để mưu sinh. Đến khi làm du lịch, anh mở studio Thể Kều - nơi hàng trăm họa sĩ, có nhiều người nổi tiếng - đã dừng chân, lưu lại và sáng tác. Ở đó, luôn có sẵn các vật phẩm và dụng cụ vẽ để bất kỳ nghệ sĩ nào cũng có thể bày tỏ cảm xúc của mình lên khung vải.
Có cơ hội gặp gỡ, giao du với các họa sĩ, được tận mắt xem họ vẽ tranh, dần dà Thể “kều” (biệt danh của Nguyễn Văn Thể do anh cao lêu khêu) đến với hội họa lúc nào không hay. Tự học, học từ các họa sĩ, và học từ chính thiên nhiên rộng mở, hào phóng của Sa Pa, Thể Kều vẽ mải miết, vẽ như lên đồng, vẽ trong cơn say của thứ chất lỏng được chưng cất từ ngô và men lá của người bản địa. Cho đến nay, Thể Kều đã vẽ hàng nghìn bức tranh với nhiều cách thức tạo hình, từ biểu hình đến trừu tượng.
Nhưng Thể Kều chỉ tìm thấy “bản lai diện mục” của mình khi bắt đầu vẽ trừu tượng, như TS. Bùi Quang Thắng - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Nghệ thuật Đương đại (VICAS Art Studio, Hào Nam, Hà Nội) nhận định: “Bỗng đến một ngày, như có sự mách bảo của linh hồn, anh biểu đạt được những cảm xúc của mình về thiên nhiên tươi đẹp, lãng mạn của Sa Pa, của những con người sống quanh anh bằng những vệt màu tự do, phóng khoáng. Kỳ lạ, những rung động trong anh cứ ào ạt tuôn chảy thành tranh với những kỹ thuật điêu luyện. Anh có thể vẽ một cách dễ dàng, nhanh chóng những điều mình cảm thấy hay những gì anh suy tư và cũng dễ dàng như thế. Tranh của anh làm người xem đồng cảm được, điều mà một họa sĩ chuyên trừu tượng phải tu luyện hàng chục năm mới đạt tới trình đó”.
Tranh vẽ theo phong cách Basquiat |
Có tận mắt xem tranh Thể Kều trong triển lãm “Sức Xuân” tại phòng tranh 100 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.1, TP.HCM (do Công ty ATC tổ chức vào giữa tháng 3/2022), mới thấy mảng tranh trừu tượng của anh thật ngoạn mục từ đường nét đến màu sắc, mạnh mẽ và đầy phấn khích. Thật khó tưởng tượng tác giả những bức tranh đó là một người xuất thân nông dân, chưa từng biết đến trường lớp hội họa. Mảng tranh biểu hình, khá nhiều vẽ phong cảnh và hoa cỏ Sa Pa cũng cho thấy năng lực tạo hình của Nguyễn Văn Thể, có những bức gần gũi với tranh trừu tượng.
Một mảng tranh khác gây bất ngờ vì đậm hơi hướm Jean-Michel Basquiat (1960-1988, họa sĩ đường phố người Mỹ, có tranh giá hơn trăm triệu USD). Thể Kều không giấu diếm sự yêu mến đối với một tài năng yểu mệnh, cũng là họa sĩ tự học mà anh xem như người dẫn đường của mình.
Đã thành công với hội họa, đã bán được khá nhiều tranh cho các gallery và nhà sưu tập, đã có tác phẩm dự một số triển lãm trong nước, nhưng Nguyễn Văn Thể vẫn không rời công việc gắn bó với hoa. Anh hiện là chủ một trang trại chuyên trồng hoa mùa Tết rộng cả chục hecta ở Sa Pa quê mới.
Trong bài Lời thơ vào tập Gửi hương của Xuân Diệu có câu:
Tôi là con chim đến từ núi lạ,
Ngứa cổ hát chơi.
Khi gió sớm vào reo um khóm lá,
Khi trăng khuya lên ủ mộng xanh trời...
Có thể ví Nguyễn Văn Thể như là “con chim đến từ núi lạ”, một hôm “ngứa cổ hát chơi” mà thành những khúc hoan ca sắc màu, ảo diệu và mê đắm vậy!
Studio Thể Kều ở bản Cát Cát, Sa Pa |
- Sinh năm 1968, học trung học phổ thông tại Bình Lục, Hà Nam.
- Lên Sa Pa lập nghiệp năm 1998, sinh sống bằng nhiều nghề: thợ mộc, hướng dẫn viên du lịch cho khách trong và ngoài nước, chủ nhiều cửa hàng kinh doanh trang phục cho thuê và điểm check-in tại bản Cat Cat, chủ trang trại và vườn bán hoa Tết.
- Tự học vẽ. Vẽ mọi lúc mọi nơi, với nhiều chủ đề nhưng yêu thích vẽ hoa đào, hoa mận và tranh trừu tượng bằng sơn dầu và acrylic.
- Có tranh dự Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc 2015, các triển lãm nhóm tại Hà Nội, Sa Pa, TP.HCM các năm 2017-2020.
- Triển lãm cá nhân tại ATC Art tháng 3/2022.