Chương trình IPv6 For Gov có hai giai đoạn: giai đoạn 1 (2021-2022) với mục tiêu chính là 50% bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch IPv6 và chuyển đổi thành công IPv6 cho cổng thông tin điện tử, dịch vụ công; giai đoạn 2 (2023-2025) với mục tiêu chính là 100% bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch IPv6 và chuyển đổi thành công IPv6 cho cổng thông tin điện tử, dịch vụ công.
Giai đoạn 1 của chương trình IPv6 For Gov đã đạt và vượt nhiều mục tiêu đề ra như 94% bộ, ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch chuyển đổi IPv6 (vượt 88% so với mục tiêu giai đoạn 1); 78% bộ, ngành, địa phương đã chuyển đổi thành công IPv6 cho cổng thông tin điện tử, dịch vụ công (vượt 55% so với mục tiêu giai đoạn 1). Đào tạo nguồn nhân lực đạt mục tiêu đào tạo 500 chuyên gia IPv6 trong 5 năm; qua hai năm đã đào tạo 1.318 cán bộ, chuyên gia IPv6 (gấp 2,6 lần mục tiêu 5 năm).
Kết quả giai đoạn 1 chương trình IPv6 For Gov đã cho thấy sự nỗ lực của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như các bộ, ngành địa phương trong việc chuyển đổi mạng Internet Việt Nam sang IPv6. Đây cũng là tiền đề quan trọng để bước vào giai đoạn 2 của chương trình.
Giai đoạn 2023-2025, chương trình IPv6 For Gov sẽ tập trung và hoàn thành chuyển đổi IPv6 cho trung tâm dữ liệu, mạng WAN, các phần mềm, ứng dụng; triển khai thí điểm hoạt động thuần IPv6 (IPv6 only) cho một số khu vực, dịch vụ. Mục tiêu hướng tới 100% bộ, ngành, địa phương chuyển đổi IPv6 thành công cho hạ tầng mạng, dịch vụ công nghệ thông tin và sẵn sàng triển khai thuần IPv6.
Để đạt được mục tiêu này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các tập đoàn viễn thông đồng bộ, triệt để kích hoạt dịch vụ IPv6, hỗ trợ các cơ quan nhà nước chuyển đổi thành công IPv6 cho cổng thông tin, cổng dịch vụ công và mạng truy cập của các cơ quan nhà nước; các doanh nghiệp chủ động cung cấp các gói dịch vụ vụ tư vấn, chuyển đổi IPv6 cho hạ tầng mạng, dịch vụ công nghệ thông tin… cho cơ quan nhà nước.
Năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu vượt bậc trong công tác chuyển đổi IPv6 cho Internet Việt Nam, với mục tiêu đạt tỷ lệ sử dụng IPv6 60-70%. Bên cạnh sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương theo chương trình IPv6 For, để đạt được các mục tiêu chuyển đổi IPv6 quốc gia, các doanh nghiệp công nghệ thông tin cần đẩy mạnh, quyết liệt triển khai, đặc biệt là nhóm các doanh nghiệp chủ đạo (Tập đoàn VNPT, Tập đoàn Viettel, FPT Telecom, MobiFone). Đây là các doanh nghiệp đang cung cấp 96% dịch vụ cho người dùng Internet Việt Nam. Song song với đó là các doanh nghiệp ISP, Mobile, IDC, Cloud, nội dung số.
Chương trình IPv6 For Gov định hướng, thúc đẩy, hỗ trợ cơ quan nhà nước chuyển đổi IPv6 thành công trên mạng lưới, dịch vụ, song song với quy hoạch nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin, kết nối Internet, cổng thông tin điện tử, cổng dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước một cách thống nhất, đồng bộ, hiện đại để đảm bảo an toàn thông tin, phát triển hạ tầng số, phục vụ tốt cho người dân, doanh nghiệp về nhu cầu truy cập, sử dụng dịch vụ cơ quan nhà nước qua IPv6. Tăng cường tỷ lệ sử dụng IPv6 trong cơ quan nhà nước tương đương với tỷ lệ sử dụng IPv6 chung trên mạng Internet Việt Nam, phù hợp với xu thế chuyển đổi công nghệ IPv6 chung của thế giới.