Dù nền kinh tế toàn cầu hồi phục chưa đồng đều hậu Covid-19 nhưng TMĐT xuyên biên giới vẫn chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc với những tín hiệu tích cực. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kép của TMĐT xuyên biên giới toàn cầu được dự báo sẽ đạt mức 28,4% mỗi năm, trong giai đoạn từ năm 2020 đến 2027. Trong khi đó, doanh thu từ xuất khẩu TMĐT B2C tại Việt Nam cũng được dự kiến sẽ tăng hơn 20% mỗi năm.
Theo báo cáo chỉ số TMĐT EBI năm 2022 của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), lĩnh vực TMĐT tiếp tục duy trì được đà phát triển nhanh và ổn định. Năm 2021, tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực này đạt trên 20%, với quy mô trên 16 tỷ USD và dự báo tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều trong năm 2022.
Sunhouse đã đầu tư vào công nghệ và mở rộng chiến lược phát triển |
Có nhiều lý do để TMĐT xuyên biên giới tăng trưởng mạnh thời gian qua. Theo các chuyên gia, thời gian đại dịch chính là giai đoạn thúc đẩy các DN Việt Nam tìm tòi và “thử lửa” với TMĐT xuyên biên giới khi mà sự sinh tồn của DN phụ thuộc khá nhiều vào bán hàng trực tuyến. Năm nay, khi tình hình dịch bệnh tạm lắng và các DN có đủ thời gian tìm hiểu về TMĐT xuyên biên giới, họ đã sẵn sàng và mức độ nhận ra tiềm năng của thị trường cũng như sự cấp thiết của DN cần chuyển đổi, mở rộng thị trường đã cao hơn.
Bên cạnh đó, tại Việt Nam, cộng đồng các nhà bán hàng online hay cộng đồng doanh nhân khởi nghiệp thực sự năng động và có tâm huyết. Họ luôn tìm tòi, cập nhật các xu hướng kinh doanh mới. Bà Lại Việt Anh - Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (iDEA) cho biết, trong kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 đến 2025, iDEA hướng tới nâng cao năng lực quản lý các hoạt động TMĐT cũng như phát triển hạ tầng kỹ thuật và các chính sách hỗ trợ DN ứng dụng TMĐT.