![]() |
Không khí ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của người dân khiến nhiều trường học tại các nước phải đóng cửa. Số ca mắc các bệnh lý hô hấp tại một số khu vực ô nhiễm tăng vọt, khẩu trang và các máy lọc không khí trở thành mặt hàng khan hiếm trên thị trường.
Khi Indonesia tích cực dập tắt các đám cháy rừng, được cho là nguyên nhân chính khiến khói mù lan qua biên giới, Thái Lan đã tiến hành các chiến dịch phun nước để giảm bụi mịn xung quanh các trường học và những tuyến đường chính ở thủ đô. Trong khi đó, dân Hà Nội và TP.HCM (Việt Nam) đổ xô đi mua máy lọc không khí và khẩu trang chống bụi mịn - kẻ thù áp đảo tạo nên “màn sương mù khó hiểu”.
Trang Eurasiareview đã chỉ ra ba nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng khói mù ở các nước ASEAN. Đó là tác động của thời tiết và việc đốt rừng canh tác trên vùng đất nhiều than bùn. Các thành phố đang trải qua quá trình đô thị hóa nhanh chóng, dân cư tập trung đông đúc, lưu lượng vận tải lớn cũng gây ra ô nhiễm không khí. Tình trạng khói mù (bụi mịn) không chỉ ảnh hưởng đến khu vực Đông Nam Á mà còn có nguy cơ làm biến đổi khí hậu toàn cầu.
Theo chu kỳ, tình trạng khói mù sẽ sớm kết thúc, nhưng cần phải có các giải pháp bền vững để khói mù không tái hiện. Đó là việc cần đưa ra các biện pháp quản lý tình trạng đốt rừng lấy đất canh tác và nâng cao nhận thức xã hội về hậu quả của khói mù.
Vấn đề khói mù qua biên giới cũng đã làm khốn đốn các nước ASEAN năm 1997-1998 với 8 triệu hecta rừng tại Indonesia bị đốt để chuyển thành đất nông nghiệp. Cuộc khủng hoảng đã khiến ASEAN phải ký thỏa thuận kiểm soát ô nhiễm cháy rừng xuyên biên giới 2002.