Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2021 đạt trên 1 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, trong tháng 1 vừa qua, xuất khẩu thủy sản tăng mạnh tới 23,4%; kim ngạch đạt 606 triệu USD.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, mặt hàng cá tra, cá biển, cá ngừ và tôm chân trắng trong 2 tháng đầu năm tăng trưởng mạnh; xuất khẩu sang một số thị trường chủ lực như Mỹ, Nhật, Australia, Mexico, Đài Loan, Brazil… cũng tăng mạnh.
Điểm sáng tôm và cá tra
Theo VASEP, cá tra và tôm tiếp tục là 2 điểm sáng. Xuất khẩu cá tra sau đà giảm liên tục trong năm 2020, đầu năm nay đã có dấu hiệu tăng trở lại, với xuất khẩu cá tra tháng 1/2021 đạt 123,5 triệu USD, tăng 22% và tháng 2/2021 đạt 90 triệu USD, giảm 17%. Lũy kế xuất khẩu cá tra 2 tháng đầu năm đạt 214 triệu USD, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng xuất khẩu tôm tháng 2/2021 ước đạt 160 triệu USD, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 2 tháng đầu năm xuất khẩu tôm đạt trên 380 triệu USD, giảm nhẹ 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tôm chân trắng đạt 304 triệu USD, chiếm khoảng 80% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Quan sát diễn biến thị trường gần đây, VASEP nhận định, xuất khẩu thủy sản Việt Nam tiếp tục bị chi phối bởi xu hướng tiêu thụ của thị trường trong bối cảnh Covid-19. Do đó, nhu cầu của thị trường hiện vẫn nghiêng về các sản phẩm có giá vừa phải, dễ chế biến, thời hạn bảo quản lâu, phù hợp với chế biến và tiêu thụ tại gia.
Các sản phẩm này gồm tôm chân trắng cỡ nhỏ đông lạnh, tôm chân trắng chế biến, chả cá, surimi, cá biển phi-lê, cắt khúc, cá cơm khô, mực khô... Trong khi đó, xuất khẩu các sản phẩm tôm nguyên con đông lạnh, nhất là tôm sú, giảm do yếu tố giá cao và do sự kiểm soát chặt hàng thực phẩm đông lạnh nhập khẩu của Trung Quốc.
Lũy kế 2 tháng đầu năm xuất khẩu tôm đạt trên 380 triệu USD, giảm nhẹ 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái. |
Xuất khẩu mực, bạch tuộc trong tháng 1/2021 tăng 20% so với cùng kỳ 2020, đạt gần 44 triệu USD. Các thị trường chính đều tăng trưởng mạnh như Australia, Italy, Bồ Đào Nha, Trung Quốc… Mức tăng trưởng này, theo VASEP, là do năm nay kỳ nghỉ Tết Âm lịch diễn ra vào tháng 2, nên thời gian sản xuất và xuất khẩu nhiều hơn so với tháng 1 năm trước. Dự báo, xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam thời gian tới sẽ tiếp tục tăng khi dịch Covid-19 dần được khống chế trên thế giới và nguồn cung nguyên liệu giảm.
Tận dụng FTA để duy trì đà xuất khẩu
Với đà xuất khẩu này, VASEP cho rằng, xuất khẩu thủy sản tháng 3/2021 sẽ đạt khoảng 640 triệu USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các sản phẩm xuất sang Mỹ, EU và thành viên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ duy trì tích cực, nhờ nhu cầu cao và đòn bẩy từ các hiệp định thương mại.
Cụ thể hơn, ngành tôm đang có lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTAs) vừa ký kết và đi vào thực thi, như Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA)giúp thuế nhập khẩu tôm nguyên liệu giảm từ 12 – 20% xuống 0% ngay sau khi hiệp định có hiệu lực.
Riêng với CPTPP, nhiều doanh nghiệp thủy sản đã có thể xuất khẩu nhiều đơn hàng với giá trị cao trong tháng 1/2021 như Công ty cổ phần Thủy sản Minh Phú Hậu Giang xuất 160 tấn tôm đông lạnh sang Mỹ, châu Âu và Nhật Bản; Công ty cổ phần Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Baseafood) xuất lô hàng đầu tiên gồm 8 container thủy sản trị giá 700.000 USD sang Canada, Mỹ, Australia...
Với thị trường Anh, Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe khẳng định, FTA Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) sẽ mở thêm cơ hội cho thủy sản Việt Nam xuất sang thị trường này. Được biết, Anh thuộc top 10 thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam với kim ngạch tăng liên tục. Bộ Công Thương cũng cho hay, hiệu ứng của UKVFTA đã giúp xuất khẩu thủy sản sang thị trường này đạt 19,72 triệu USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu cá tra vào các nước thuộc CPTPP hiện có kim ngạch chỉ thua kim ngạch xuất vào thị trường Mỹ, và vượt qua thị trường Trung Quốc, Hồng Kông |
Theo ông Hoè, xuất khẩu cá tra vào các nước thuộc CPTPP có kim ngạch chỉ thua kim ngạch xuất vào thị trường Mỹ, và vượt qua thị trường Trung Quốc, Hồng Kông. Đây là dấu hiệu đáng mừng khi doanh nghiệp xuất khẩu cá tra giảm dần phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, tạo sự cân bằng trong hoạt động xuất khẩu vào các thị trường lớn.
Nếu Covid-19 được kiểm soát, kinh tế - thương mại và chi tiêu của người tiêu dùng toàn cầu sẽ hồi phục, nhờ đó tác động tích cực lên tốc độ phục hồi và tăng trưởng của ngành thuỷ sản Việt Nam nói chung và cá tra nói riêng. Từ đó, Tổng thư ký VASEP dự báo, cá tra sẽ hồi phục trong năm nay với mức tăng 5%, đạt khoảng 1,6 tỷ USD
Tuy nhiên, VASEP cho rằng, để tận dụng các ưu đãi từ thị trường EU sau EVFTA và các thị trường khác, cần phải tạo sự khác biệt cho sản phẩm. Bởi sản phẩm không chỉ muốn là bán được mà còn phải cạnh tranh với các quốc gia khác, khi họ cũng có khả năng phát triển rất nhanh như Ấn Độ, Indonesia,… Hiện, khó có thể giảm giá thành, nên để cạnh tranh, chỉ còn cách tạo sự khác biệt về mặt chất lượng để thuyết phục khách hàng mua sản phẩm của Việt Nam với mức giá cao hơn.
Đồng thời, doanh nghiệp cần tìm kiếm các thị trường mới như Ấn Độ, bên cạnh tập trung phát triển các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, ASEAN, Trung Quốc. Song song đó, cần triển khai tiêu thụ cá tra trong nước, nhằm giảm rủi ro và ảnh hưởng từ sự sụt giảm thị trường xuất khẩu.