Sáu bước tìm giải pháp tốt hơn cho doanh nghiệp

Nguồn Entrepreneur - dịch VŨ THI MINH UYÊN| 11/12/2009 02:52

Bạn vẫn biết cách giải quyết vấn đề của doanh nghiệp, và biết phải phát triển ra sao từ những vấn đề đó.

Sáu bước tìm giải pháp tốt hơn cho doanh nghiệp

Tập suy nghĩ như nhà tư vấn và biến kinh nghiệm thành chuyên môn.

Hãy tự cứu mình trước là lời khuyên cho các doanh nghiệp nhỏ. Bạn vẫn biết cách giải quyết vấn đề của doanh nghiệp, và biết phải phát triển ra sao từ những vấn đề đó. Kinh nghiệm của bạn giá trị hơn chuyên môn của các chuyên gia nhiều bằng cấp. Kinh nghiệm trở thành chuyên môn khi bạn xem xét vấn đề cách toàn diện và nghĩ ra hướng giải quyết. Chỉ cần bạn suy nghĩ như đang tư vấn cho doanh nghiệp của mình nữa mà thôi.

Ổn định doanh nghiệp

Hãy theo sáu bước dưới đây để có cách nghĩ như nhà tư vấn và giải quyết rắc rối cho doanh nghiệp của mình.

1. Liệt kê các vấn đề

Đây là kỹ thuật về sức mạnh của tư duy tiêu cực. Bạn cần tìm một người bạn và đưa giấy bút cho anh ta. Rồi giống như đang diễn kịch, bạn đứng dậy, nói to, than phiền, chê bai và rên rỉ theo chủ đề: Sau đây là những rắc rối doanh nghiệp tôi đang gặp phải. Và nhờ người bạn viết xuống tất cả những gì bạn kêu ca.

2. Chọn một vấn đề

Vậy là bạn đã có một danh sách các vấn đề. Tuy nhiên, chỉ có thể giải quyết từng vấn đề một. Vì vậy, hãy chọn ra vấn đề nào:

• Đang phá hoại doanh nghiệp bạn?
• Đang làm bạn phát điên lên?
• Có vẻ dễ bắt tay vào giải quyết?
• Bạn tự giải quyết được, không cần trợ giúp hoặc chỉ rất ít?
• Sẽ đem lại lợi nhuận, hoặc tiết kiệm chi phí nhất?

Hãy trả lời bất kỳ câu hỏi nào trong số trên. Sau đó, chọn một và tiếp tục.

Hãy tự cứu mình trước là lời khuyên cho các doanh nghiệp nhỏ.

3. Giải quyết đúng vấn đề

Nếu bạn đau bao tử mà cho uống thuốc trợ tim thì bạn sẽ bệnh nặng thêm. Vậy nhưng trong kinh doanh, người ta vẫn thường chữa sai bệnh.

Chìa khóa để chữa đúng bệnh nằm ở chỗ: hiểu rằng triệu chứng ở một nơi, còn nguyên nhân nằm ở chỗ khác. Điều này đúng cho cả cơ thể lẫn doanh nghiệp.

Nếu doanh số thấp, đừng ép nhân viên bán hàng phải bán được nhiều hơn mà hãy sửa lỗi ở khâu tiếp thị. Để có thể trở thành cố vấn cho chính mình, hãy suy nghĩ như một thầy thuốc, một kỹ sư, một người gỡ rối: Nếu triệu chứng nằm ở đây thì vấn đề là ở đâu? Doanh nghiệp hoạt động như một cơ cấu, và các doanh nghiệp đều vận hành như nhau. Vì vậy, trong mọi doanh nghiệp, bạn phải để ý đến những vấn đề sau:

1. Biết thị trường tiềm năng của mình: Ai sẽ được lợi từ sản phẩm/dịch vụ của bạn?
2. Tiếp cận khách hàng: Dùng quảng cáo, khuyến khích hoặc mạng lưới để tiếp cận những nơi có khách hàng. Chỉ ra chỗ đau của họ, và sản phẩm/ dịch vụ của bạn chính là phương thuốc.
3. Dẫn khách hàng đến cửa hàng/trang web của bạn.
4. Thuyết phục khách hàng mua sản phẩm.
5. Phân phối hàng.
6. Thu thập thư khen và lời giới thiệu. Việc này đưa bạn quay lại bước 3.

Và cứ làm theo vòng tròn đó.

4. Phân tích trước khi đưa ra giải pháp

Một cách rất hay để tìm hiểu cặn kẽ vấn đề là “năm câu hỏi Tại Sao?”. Hãy chọn ra một vấn đề, rồi hỏi “Tại sao chuyện này lại xảy ra?” năm lần.

Ví dụ: Dự án thường hoàn tất trễ hạn.

Tại sao dự án lại bị trễ?

Vì chúng tôi không biết tất cả những điều cần phải làm. Đến phút cuối cùng thì có quá nhiều việc cần làm thêm nên bị trễ.

Tại sao bạn không biết tất cả những việc phải làm?

Chúng tôi không ngồi lại lên kế hoạch cùng nhau. Chúng tôi chỉ bắt tay vào làm thôi.

Tại sao bạn không lên kế hoạch?

Vì chúng tôi nghĩ điều đó không đáng để bỏ thời gian ra.

Tại sao bạn không nghĩ chuyện đó đáng để bạn mất thời gian?

Vì dự án khác bị hoãn, chúng tôi bị trễ theo, nên bắt đầu dự án này muộn và phải bắt tay vào việc ngay.

Vì sao dự án khác bị trễ?

Vì chúng tôi không ngồi lại lên kế hoạch cùng nhau, nên bị trễ hạn.

Vậy là ta đã có câu trả lời. Dự án nối tiếp dự án, không cái nào có kế hoạch cả, nên dự án nào cũng trễ hạn. Giải pháp là: Dành thời gian lên kế hoạch cho mỗi dự án. Đối với dự án nhỏ, việc này có thể mất 1 giờ. Nhưng 1 giờ đó sẽ tiết kiệm được 10 giờ làm việc.

Ví dụ: Tôi có một khách hàng là chủ tiệm café bên bờ biển Carolina. Trước khi đọc quyển The Ultimate Guide to Project Management, mỗi năm, anh cho đóng cửa tiệm ba lần để lau dọn, sửa chữa, tân trang toàn bộ dụng cụ.

Sau khi đọc, anh áp dụng nguyên tắc: lên danh sách những việc phải làm. Anh lên kế hoạch, phân công và có đủ những gì cần trước khi đóng cửa tiệm.

Nhờ đó, công việc hoàn tất sau 1 tuần. Do phải trả công sửa chữa ít hơn và mở cửa được thêm 2 tuần mỗi năm, anh tiết kiệm được 8.000USD mỗi năm.

Một ít giờ lên kế hoạch tương đương với 8,000 USD mỗi năm về sau.

Nguyên tắc của điều này là 1:10:100. Một giờ lập kế hoạch tốt tiết kiệm được 10 giờ làm việc và 100 giờ dọn dẹp sau đó.

Vì thế, hãy gọi tên vấn đề và đặt nó trước mặt bạn. Hỏi “Tại sao” năm lần. Và nghĩ đến giải pháp lâu dài để ngăn chặn rắc rối.

5. Tìm chuyên gia cần thiết

Trước khi bám chắc vào một giải pháp, cần nhờ chuyên gia kiểm tra lại.

Bạn có thể tìm một nhà chuyên môn với giá rẻ để giảm chi phí, nhưng ai lại muốn thuê bác sĩ rẻ nhất để giải phẫu tim? Hãy sẵn sàng trả công xứng đáng cho chuyên gia giúp bạn giải quyết vấn đề triệt để. Trả một lần cho điều tốt nhất còn hơn trả nhiều lần mà hư đi hỏng lại.

Vậy, có thể thuê chuyên gia giỏi giá thấp bằng cách nào?

Thật đơn giản. Hãy tự mình làm phần lớn công việc. Hầu hết các chuyên gia đều dành thời gian để hỏi về vấn đề cho tới khi bạn trả lời thật rõ. Rồi họ lại dành nhiều thời gian hơn để thuyết phục bạn về giải pháp hiệu quả.

Hãy bỏ qua khâu đó. Tự mình xác định vấn đề và tìm hiểu những giải pháp có thể áp dụng, sau đó hãy thuê chuyên gia để biết chắc giải pháp nào hiệu quả. Việc đó mất rất ít thời gian và tiền bạc, nhưng đảm bảo bạn đi đúng hướng.

6. Tìm giải pháp lâu dài

Khách hàng của tôi có trang web rất đẹp. Nhưng cô thấy dùng Flash như web của Madonna còn tuyệt vời hơn, nên quyết định làm một trang web giống vậy. Chồng của cô cũng tham gia, học cách làm Flash và tạo ra một trang thật đẹp. Cô chưa bao giờ thắc mắc để duy trì một trang web dùng Flash thì tốn bao nhiêu tiền. Mà có thể là khá đắt!

Vì vậy, bạn hãy tìm một giải pháp lâu dài. Nếu bạn định thành lập điều gì, hãy có kế hoạch duy trì và chi phí cho nó.

Nếu đào tạo nhân viên là giải pháp, đừng chỉ đào tạo đội ngũ hiện tại. Nếu có người rời bỏ công ty thì sao? Hãy tính đến việc đào tạo khi thuê nhân viên mới. Dù giải pháp có là gì thì cũng phải đảm bảo nó được duy trì về lâu về dài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sáu bước tìm giải pháp tốt hơn cho doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO