Những thảm kịch chết vì đám đông trong tháng 10

Quân Đặng (*)| 01/11/2022 06:48

Tháng 10 vừa qua đã chứng kiến bốn thảm kịch gây chết người hàng loạt ở Indonesia, Hàn Quốc, Congo và Ấn Độ. Những thảm kịch trên đều được cho là có liên quan tới an toàn đám đông.

Những thảm kịch chết vì đám đông trong tháng 10

Bộ trưởng Nội vụ - ông Lee Sang-min cúi đầu xin lỗi người dân về thảm họa Halloween trong phiên họp Quốc hội Hàn Quốc hôm 1/11/2022 - Ảnh: Yonhap

Bốn thảm kịch của tháng 10

Trong trận đấu bóng đá diễn ra trên sân Kanjuruhan của Indonesia tối ngày 1/10, hàng ngàn người đã tràn xuống đập phá và đụng độ với cảnh sát dẫn tới cảnh giẫm đạp náo loạn. Vụ việc trên khiến 133 người thiệt mạng, bao gồm nhiều phụ nữ, trẻ em và cả cảnh sát.  

Theo điều tra, trong trận nói trên, sân Kanjuruhan đã đón 42.000 khán giả, trong khi sức chứa tối đa chỉ được 38.000 người. Nhiều cửa sân đã đóng kín khi hàng ngàn người muốn tháo chạy khỏi cuộc bạo loạn. Số cửa được mở thực tế chỉ đủ cho hai người thoát ra cùng một lúc.  

Truyền thông Indonesia cho biết những cánh cửa trong sân Kanjuruhan có thiết kế như cửa nhà tù. Sau thảm kịch, nó được ví như cánh cửa địa ngục.  

Vào khoảng 10 giờ 20 phút tối 29/10 theo giờ địa phương, hàng chục nghìn người đã chen lấn, giẫm đạp lên nhau trong lễ hội Halloween tại tụ điểm phố Itaewon, thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Đây là lễ hội lớn đầu tiên kể từ khi nước này nới lỏng các hạn chế của Covid. Theo giới chức Hàn Quốc, ít nhất 154 người đã thiệt mạng, trong đó có 25 người ngoại quốc, phần lớn nạn nhân là phụ nữ độ tuổi từ 20 tới 30.

Báo cáo trên cũng ghi nhận trường hợp tử vong của một nữ du học sinh người Việt Nam, bên cạnh công dân các nước Thái Lan, Mỹ, Pháp, Úc, Na Uy, Uzbekistan, Kazakhstan, Sri Lanka, Áo, Nga và Trung Quốc.  

Đến ngày 30/10, thế giới tiếp tục chứng kiến thêm vụ giẫm đạp tại một buổi hòa nhạc tại thủ đô Kinshasa của Cộng hòa Dân chủ Congo khiến nhiều người thiệt mạng và bị thương.

Cảnh sát trưởng thủ đô Kinshasa cho biết vụ giẫm đạp diễn ra trong buổi hòa nhạc của ca sĩ nổi tiếng Fally Ipupa tại sân vận động Martyrs. Theo cảnh sát và nhân chứng, sân vận động có sức chứa 80.000 người đã chật kín, thậm chí các hành lang cũng được lấp đầy. Lực lượng cảnh sát khẳng định đã lập rào chắn ngăn cách khán đài và sân khấu để ngăn đám đông tràn vào gây hỗn loạn. Tuy nhiên, lượng khán giả quá lớn so với số lượng nhân viên an ninh khiến cảnh sát không thể kiểm soát tình hình.  

Bộ trưởng Nội vụ Congo Daniel Aselo Okito cho biết cảnh sát đã ghi nhận 11 người thiệt mạng trong vụ giẫm đạp trên, bao gồm hai sĩ quan cảnh sát, trong đó có 10 người do ngạt thở và 7 trường hợp phải nhập viện.  Trước đó, lực lượng an ninh đã bắn hơi cay trong nỗ lực giải tán đám đông bạo lực trên các đường phố bên ngoài sân vận động, nơi nhiều người đã tập trung trước buổi hòa nhạc.  

Cũng trong ngày 30/10 tại Ấn Độ, cây cầu treo Morbi đã đứt dây khi hàng trăm người đi qua cùng lúc để dự lễ hội Diwali, làm ít nhất 132 nạn nhân rơi xuống sông, trong đó 90 người đã thiệt mạng.  

Theo giới chức nước này, đã có gần 500 người bao gồm nhiều trẻ em và phụ nữ đang tập trung bên trên và xung quanh cây cầu để tham dự lễ hội ánh sáng Diwali của Hindu giáo khi thảm kịch xảy ra. Nhiều nạn nhân đã rơi xuống sông Machchhu ngay dưới cây cầu.  

Brijesh Merja - viên chức tiểu bang Gurajat cho biết hầu hết những người thiệt mạng và bị thương là trẻ vị thành niên, phụ nữ và người già.

Những giải pháp để thoát khỏi đám đông

Sau những vụ việc đáng tiếc trên, người ta bắt đầu để ý hơn đến sự nguy hiểm của đám đông. Có lẽ một số người nghĩ rằng sẽ không thể làm được gì để thoát ra và sống sót trong những tình huống chèn ép và giẫm đạp như thế.  

Thật vậy, đây là tình huống vô cùng đáng sợ, toàn cảnh xung quanh có thể khiến ta không thể thoát ra được. Nhưng những chuyên gia về an toàn đám đông đã đưa ra một số gợi ý có thể giúp giảm thiểu rủi ro khi rơi vào tình cảnh này.

1/Tìm chỗ thoát hiểm khi đến địa điểm  

Chìa khóa để giữ an toàn trong đám đông cần được nắm lấy khi bạn vừa đến địa điểm là tìm lối ra các cửa thoát hiểm nhanh nhất. Đó là lời khuyên nên được bạn áp dụng khi bước vào bất kỳ khán phòng hay không gian nào.

2/ Đi theo dòng người

Khi đám đông bắt đầu hoảng loạn và xô đẩy theo một hướng nhất định, bản năng chúng ta là chống trả và đẩy lùi theo hướng ngược lại, nhưng điều này không đúng.

Nếu cố gắng đi ngược lại dòng người, bạn sẽ bị vấp và ngã, đồng thời sẽ nhanh chóng kiệt sức giữa lúc đang cần tập trung sức để thoát ra.

3/Di chuyển theo hướng chéo

Giữa lúc tiến về phía trước cùng đám đông, tốt nhất là vừa tiến lên vừa di chuyển theo hướng chéo để thoát ra khỏi dòng người. Mục tiêu chính là cố gắng di chuyển ra đến ngoài rìa, đó là nơi ta sẽ ít có khả năng bị ép đến nghẹt thở nhất.  

Tuyệt đối không để mình bị kẹt ở giữa, đây được xem là tử ngục nếu bạn rơi vào tình huống như thế này.  

4/Cho bản thân một chút không gian thở

Trong nhiều sự kiện, người ta chết vì ngạt thở, đơn giản vì họ bị ép đến mức không thở được. Khi đó, hãy cố gắng  khoanh tay trước ngực để tạo khoảng trống, điều đó giúp bạn có thêm khoảng trống để thở. 

(*) Tổng hợp từ VTC và The times UK

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những thảm kịch chết vì đám đông trong tháng 10
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO