Tin kinh tế ngày 24/6: Vốn FDI vào Việt Nam nửa đầu năm 2021 đạt gần 15,3 tỷ USD

HT - PN| 24/06/2021 07:00

VNR xin hỗ trợ khẩn cấp 800 tỷ đồng trước nguy cơ dừng hoạt động, Leflair trở lại kinh doanh tại Việt Nam, Grab dự định cung cấp dịch vụ ô tô điện tại Việt Nam là những tin kinh tế đáng chú ý trong ngày hôm nay.

Vốn FDI vào Việt Nam nửa đầu năm 2021 đạt gần 15,3 tỷ USD

2-3597-1624529126.jpg

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/6/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt 15,27 tỷ USD, bằng 97,4% so với cùng kỳ năm 2020. Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 9,24 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Đà Nẵng sẽ trình duyệt 3 khu công nghiệp 14.000 tỷ đồng

3-9918-1624529126.jpg

UBND thành phố Đà Nẵng cho biết sẽ trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư và khẩn trương tổ chức triển khai đầu thầu lựa chọn nhà đầu tư sau khi được phê duyệt chủ trương đối với 3 khu công nghiệp (KCN) mới gồm Hòa Cầm (giai đoạn 2), Hòa Nhơn và Hòa Ninh. Đây cũng là 3 KCN nằm trong danh mục dự án trọng điểm thu hút đầu tư giai đoạn 2020-2025 của Đà Nẵng, có tổng diện tích 880ha với vốn đầu tư dự kiến gần 14.000 tỷ đồng. Trong đó, KCN Hòa Ninh (xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang) có diện tích và vốn đầu tư lớn nhất, lần lượt đạt 400ha và 6.083 tỷ đồng.

Nguy cơ ngành vận tải biển toàn cầu tắc nghẽn đến hết năm nay

4-4876-1624529126.jpg

Ngành vận tải biển thế giới vốn rơi vào trạng thái căng thẳng cao trong suốt hơn một năm trở lại đây dưới các tác động của đại dịch Covid-19, thiếu hụt container rỗng nghiêm trọng, tắc nghẽn tại nhiều cảng lớn. Sự cố kênh đào Suez bị tắc nghẽn hồi tháng 3 vừa qua càng khiến hoạt động vận tải biển trở nên khó khăn hơn.

Các dữ liệu cho thấy tình trạng chậm trễ trong các chuỗi cung ứng sẽ kéo dài cho đến hết năm nay trong bối cảnh số lượng tàu chuyên chở hàng hoá có hạn và giá cước vận chuyển vẫn ở mức cao kỷ lục. Việc giá cước tăng cao kỷ lục có thể gia tăng thêm áp lực lạm phát trên toàn cầu do giá xuất khẩu hàng hoá tăng lên.

Việt Nam là thị trường xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp tiềm năng của Úc

5-2327-1624529127.jpg

Nông nghiệp đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam và là một trong những trụ cột của quan hệ hợp tác kinh tế song phương giữa hai nước Việt Nam và Úc. Cả hai đều có những mặt hàng nông sản có lợi thế so sánh riêng và đang dần dỡ bỏ các hạn chế thương mại giữa hai bên. Theo nhận định,Việt Nam có khả năng sẽ trở thành thị trường xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp lớn thứ 5 của Australia trong năm 2021, thay vì thứ 9 như hiện nay.

Grab dự định cung cấp dịch vụ ô tô điện tại Việt Nam

Grab vừa cho biết đã mở rộng quan hệ đối tác với đại gia sản xuất ô tô Hàn Quốc Hyundai để thúc đẩy ứng dụng xe điện tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. 

anh-chup-man-hinh-2021-06-24-l-4409-3462

Công ty Grab đang có dự định cung cấp dịch vụ ô tô điện tại Việt Nam. Ảnh: Grab

Việc thí điểm này sẽ bắt đầu được thực hiện tại Singapore vào cuối năm nay, sau đó sẽ mở rộng sang các nước như Việt Nam và Indonesia.

Cụ thể, Grab và Hyundai sẽ thí điểm cho thuê xe điện theo mô hình cho thuê pin (battery-as-a-service). Theo tuyên bố chung đưa ra hôm 23/6, các sáng kiến này nhằm hạ thấp rào cản gia nhập hệ thống, ví dụ chi phí sở hữu phương tiện cho các đối tác tài xế của Grab. 

Leflair đổi chủ, tiếp tục trở lại kinh doanh tại Việt Nam

Trang TMĐT chuyên kinh doanh các mặt hàng xa xỉ Leflair bất ngờ thông báo quay lại thị trường Việt Nam sau khi được sang tay qua chủ mới. Tuy nhiên, khoản nợ hàng chục tỉ đồng với 500 nhà cung cấp cũ không được đề cập.

mceu-82106902411572680690177-8678-162452

Đầu tháng 2-2020, Leflair thông báo tạm dừng hoạt động tại Việt Nam và vướng lùm xùm công nợ với các nhà cung cấp. Ảnh: Leflair

Ông chủ mới của Leflair là Society Pass - một công ty công nghệ từ Mỹ, khởi nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử. Ngày 23/6, công ty này vừa thông báo quyền sở hữu thương hiệu Leflair và tên miền www.leflair.com, dự kiến đưa Leflair ra mắt lại thị trường Việt Nam vào quý III/2021. 

Xuất khẩu gạo của Việt Nam đang chịu nhiều áp lực, cạnh tranh

Giá gạo xuất khẩu của các nước như Thái Lan, Pakistan, Ấn Độ giảm mạnh; cùng với đó, thuế xuất nhập khẩu gạo từ Philippines - thị trường xuất khẩu lớn nhất của gạo Việt Nam đang giảm, gây áp lực cạnh tranh cho gạo Việt.

Thu-Hoach-Lua-Tai-DB-7680-1624529098.jpg

Xuất khẩu gạo của Việt Nam có nguy cơ chịu nhiều áp lực cạnh tranh trong thời gian tới. Ảnh minh họa: Lý Lam Anh

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ngày 23/6, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Pakistan giảm 15 USD/tấn, bán ra ở mức 408 USD/tấn; gạo Thái Lan giảm 5 USD/tấn, bán ra ở mức 423 USD/tấn; gạo Ấn Độ vẫn ở mức thấp nhất trong các nước xuất khẩu gạo truyền thống: 388 USD/tấn.

Hiện tại, giao dịch lúa gạo tại thị trường trong nước kém sôi động do xuất khẩu đang chậm lại. Mặt khác, lượng gạo tồn trong kho của các DN tại Việt Nam còn khá lớn, nên lượng gạo thu mua khó có thể bật tăng nếu việc xuất khẩu sang Philippines không có sự khởi sắc.

Đường sắt Việt Nam xin vay cứu trợ 800 tỷ đồng

6-4795-1624529127.jpg

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) xin vay 800 tỷ đồng không lãi để bổ sung nguồn vốn giảm sút từ đầu năm, cùng với chính sách hỗ trợ cho 13.000 lao động đang bị mất và thiếu việc làm. Cụ thể, đại diện VNR cho hay, trong 2 năm ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, VNR lỗ hơn 2.200 tỷ đồng.

Theo đó, 800 tỷ đồng là mức tối thiểu để tổng công ty duy trì hoạt động cầm cự. Đồng thời, VNR kiến nghị được giảm phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư cho năm nay và các năm tiếp theo; miễn, giảm, giãn thời gian thu tiền thuê sử dụng đất cho các doanh nghiệp vận tải đường sắt cho năm 2021.

Ngoài ra, VNR cũng kiến nghị ưu tiên được tiêm phòng vaccine cho trên 6.000 lao động tuyến đầu vì có nguy cơ cao bị lây nhiễm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tin kinh tế ngày 24/6: Vốn FDI vào Việt Nam nửa đầu năm 2021 đạt gần 15,3 tỷ USD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO