Ngân hàng quảng cáo các gói vay lãi suất ưu đãi, chương trình khuyến mãi “hoành tráng”, sẵn sàng giải ngân và thậm chí giải ngân nhanh cho những khoản mua nhà…nhưng đó là câu chuyện của những năm trước.
Từ đầu năm 2022 đến nay, trong bối cảnh chỉ số lạm phát ở các nền kinh tế lớn trên thế giới liên tục nhảy múa, NHNN đã phải có những chính sách nhằm sẵn sàng ứng phó với những diễn biến chung của kinh tế thế giới. Điều này đã trực tiếp ảnh hưởng đến lĩnh vực bất động sản (BĐS), thị trường thu hút lượng vốn rất lớn.
Dù lãnh đạo NHNN nhiều lần khẳng định không có chủ trương siết tín dụng, thế nhưng trong nội dung dự thảo sửa đổi Thông tư 39/2016 quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng lại phát đi nhiều tín hiệu dòng tiền sẽ bị thắt chặt với kênh đầu tư BĐS.
Ở góc độ các ngân hàng, với lượng room tín dụng vừa được nới không quá dư dả, kế hoạch cho vay đã được điều chỉnh, phần lớn vốn sẽ được phân bổ vào những lĩnh vực được cho là ít rủi ro hơn như đầu tư sản xuất - kinh doanh…
Theo ông Vũ Thành Trung - thành viên Ban điều hành Ngân hàng MB, với việc được nới room thêm 3,2%, tương đương tăng thêm 12.000 tỷ đồng, ngân hàng định hướng trong vòng một tháng tới, số vốn này sẽ được phân bổ vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh có nhu cầu vốn rất lớn trong thời gian qua.
Số liệu NHNN đưa ra cho thấy, tính đến ngày 16/9, tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế đạt 10,47% so với cuối năm 2021. Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, NHNN vẫn kiên định mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay 14%, nhưng sẽ điều chỉnh tùy theo diễn biến thực tế.
Phát biểu của đại diện NHNN càng cho thấy kỳ vọng vào việc cơ quan này nới room tín dụng trong bối cảnh hiện tại là rất khó. Nhiều ý kiến cũng cho rằng việc để các tổ chức tín dụng tự do tăng trưởng ở thời điểm hiện tại có thể gây ra một số hệ lụy, rủi ro nợ xấu.
Ngoài ra, quy định về tỷ lệ vốn vay trung, dài hạn mới đây của NHNN cũng buộc các ngân hàng giảm tỷ lệ từ 37% xuống còn 34%, mà phần lớn các khoản vay tín dụng đối với BĐS thường là trung, dài hạn. Vì vậy, các ngân hàng phải tính toán trong việc giải ngân các hợp đồng tín dụng với BĐS.
Ông Trịnh Bằng Vũ - Giám đốc Khối cho vay khách hàng cá nhân Shinhan Bank cho hay, lãi suất tiết kiệm liên tục được các ngân hàng điều chỉnh đã khiến lãi suất cho vay tăng lên. Mặc dù vậy, Shinhan Bank cũng chọn lọc người vay, vì room tín dụng hạn chế, khiến người vay mua nhà không còn nhiều cơ hội.
Vay khó là vậy, nhưng khi vay được rồi các nhà đầu tư lại phải đau đầu với việc phải chịu mức lãi suất cao, vì trong bối cảnh lãi suất huy động tăng, có khoản tăng kỷ lục, việc các ngân hàng tăng lãi suất cho vay chỉ là chuyện sớm muộn.
Tổng giám đốc một ngân hàng (không muốn tiết lộ) thừa nhận: Lãi suất huy động, nhất là kỳ hạn dài đã lên đến 7,5%/năm sau khi NHNN tăng lãi suất điều hành trong ngày 23/9, room tín dụng lại hạn chế, thì lãi suất cho vay khó duy trì được mức thấp.Thực tế, lãi suất cho vay, trong đó cho vay cá nhân mua nhà, tăng khoảng 1%/năm so với đầu năm nay và có ngân hàng đang áp dụng mức lãi suất cho vay mua nhà 11,5-13%/năm.
Ngay cả ngân hàng có vốn nhà nước vốn được xem là cạnh tranh nhất trên thị trường về lãi suất cho vay mua nhà lâu nay như Vietcombank, hiện cũng thay đổi lãi vay lên 11-12%/năm trong thời gian ngắn trở lại đây.
TS. Trần Du Lịch nhận định, Chính phủ và NHNN đang từng bước siết lại tín dụng ở lĩnh vực rủi ro cao, trong đó có BĐS, nên các chủ thể kinh doanh trong lĩnh vực này cần đa dạng hóa dòng vốn và phát triển một cách lành mạnh. Thực tế cho thấy, bài học nợ xấu tăng mạnh do đẩy vốn ồ ạt vào BĐS trước đây đã để lại hậu quả nặng nề và chưa được xử lý rốt ráo, dù đã có Nghị quyết 42/2017/QH14.