Tìm lại giá trị sống

Phan Thương| 12/05/2022 04:00

Mang trong mình "căn bệnh thế kỷ XX" nhưng Nguyễn Văn Hiếu, 28 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Xã hội Sài Gòn Pride đã vượt qua khó khăn, định kiến để thành lập Sài Gòn Pride và tìm lại giá trị sống.

Tìm lại giá trị sống

"Đã có lúc tôi tưởng như mất tất cả"

Nguyễn Văn Hiếu quê quán Bình Long, Bình Phước công khai giới tính thật của mình hồi tháng 10/2011 và đã bị gia đình từ bỏ. Ngày 19/11/2011, mới 17 tuổi, Hiếu rời khỏi gia đình với hai bàn tay trắng và quyết tâm khẳng định bản thân. May mắn đã mỉm cười với Hiếu khi mẹ nuôi - bà Kiều Kim Hương đã tạo điều kiện giúp anh sang Mỹ năm 2015 nghiên cứu ngôn ngữ cơ thể con người tại Burien, tiểu bang Washington.

Sau ba năm, Hiếu trở về nước năm 2018 và đã có những thành công nhất định là trở thành giám đốc một công ty truyền thông và bất động sản, nhưng với Hiếu: "Điều buồn nhất là nhiều năm trời tôi không có một cái Tết nào với gia đình, nếu không giữ được tinh thần thì chắc tôi đã không được như bây giờ". Sau 8 năm sống xa gia đình, Hiếu đã được thân nhân chấp nhận sự thật về con người mình và cuối năm 2019 anh hoan hỷ trở lại mái nhà xưa.

Biến cố một lần nữa ập đến. Ngày 19/7/2019, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, Hiếu suy sụp hoàn toàn khi nhận kết quả dương tính với HIV. Trong phút chốc, Hiếu tưởng chừng đã mất tất cả: sức khỏe, sự nghiệp, tình cảm... Nhắc lại thời điểm đó, Hiếu không khỏi nghẹn ngào: "Đã có lúc tôi tưởng như mất tất cả. Trong khi tôi đang cố gắng vì tương lai thì kết quả lại ngược với mong muốn, cảm giác như mình không còn gì để nương tựa. Tôi đã định tự vẫn để giải thoát cho bản thân nhưng thật may là tôi đã vực dậy được tinh thần, không còn nghĩ đến những điều tiêu cực nữa".

Biến những tổn thương thành động lực

Từng bị kỳ thị vì giới tính và HIV, Hiếu đã tìm hiểu về căn bệnh thế kỷ XX. Hiếu bắt đầu phát triển những dự án mang yếu tố xã hội để giúp đỡ những người nhiễm HIV, đặc biệt là những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng MSM (cộng đồng nam quan hệ tình dục đồng giới). Định hướng này của anh đã nhận được sự hỗ trợ từ Bệnh viện thành phố Thủ Đức và lớn hơn nữa là anh đã tìm được giá trị của cuộc sống.

Nói về cơ duyên đó, Hiếu chia sẻ: "Lúc tôi đến khám bệnh tại Bệnh viện thành phố Thủ Đức, tôi thấy có rất nhiều người giống mình nên tôi muốn có một dự án đóng góp cho bệnh viện để giúp đỡ các bệnh nhân đó. Phía bệnh viện rất hợp tác, họ trao đổi với tôi rất nhiều về dự án hỗ trợ cộng đồng đang thực hiện và may mắn là họ đã chấp nhận đào tạo cho tôi".

Trải qua hai năm đào tạo tại bệnh viện, tháng 8/2021, Hiếu quyết định thành lập Công ty TNHH Xã hội Sài Gòn Pride. Thời điểm ban đầu, Sài Gòn Pride chỉ có 6 nhân viên, hiện tại đã có hơn 50 nhân viên, trong đó có hai người là sinh viên khoa tâm lý và một thạc sĩ tâm lý chuyên điều trị tâm lý cho người nhiễm; một bác sĩ, một y sĩ, một điều dưỡng; hai nhân viên gắn kết với Bệnh viện thành phố Thủ Đức, đồng thời cũng là nhân viên hỗ trợ cộng đồng của ngành y tế thuộc Sở Y tế quản lý. Các nhân viên còn lại trong công ty phụ trách việc kết nối, hỗ trợ trực tiếp cho những người nhiễm HIV trên cả nước.

Nguồn thu chủ yếu của công ty đến từ các dự án cộng đồng ký kết với các tổ chức, bên cạnh đó Sài Gòn Pride còn lấn sang những lĩnh vực khác để tạo nguồn thu nhập bền vững và trang trải chi phí hoạt động. Hiếu trải lòng: "Để duy trì công ty, tôi cần khoảng 150 triệu đồng một tháng, trong đó trả lương cho khoảng 8 nhân viên. Số nhân viên còn lại là tình nguyện viên ở nhiều tỉnh, thành, họ cộng tác không nhận lương".

Sau hơn 8 tháng hoạt động, Sài Gòn Pride đã hỗ trợ cho 3.300 bệnh nhân, đã điều trị và kết nối điều trị dự phòng HIV cho 660 bệnh nhân, vượt mục tiêu đề ra trong dự án là 300%. Trong tháng 5/2022, Sài Gòn Pride dự kiến tổ chức phòng khám để kịp thời chữa trị, hỗ trợ cho những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS.

Sứ mệnh gắn kết cộng đồng HIV và LGBT

Anh Hiếu tâm sự: "Người trẻ khởi nghiệp thường mong muốn thành công, giàu có, có lợi nhuận cao nhất, nhưng sở dĩ tôi không chọn con đường đó vì tôi là nạn nhân HIV và những định kiến về LGBT. Chính vì vậy, tôi hiểu được cảm giác của những người có hoàn cảnh như mình. Tôi nghĩ một khi doanh nghiệp xã hội của mình lớn mạnh và mở rộng nghĩa là sẽ hỗ trợ được nhiều người giống mình. Sứ mệnh của tôi là gắn kết cộng đồng HIV và LGBT chứ không phải mải mê làm giàu, kiếm danh tiếng cho bản thân".

Dành nhiều tâm huyết cho việc hỗ trợ những người nhiễm HIV, anh Hiếu và các nhân viên tại Sài Gòn Pride không quản ngại nắng mưa, dịch bệnh, sẵn sàng giao thuốc cho những bệnh nhân nhiễm HIV cho dù họ ở xa. Giữa lúc thành phố giãn cách theo Chỉ thị 16, hàng trăm bệnh nhân nhiễm HIV không có thuốc để điều trị, Sài Gòn Pride đã làm việc hết sức mình, không chỉ giúp đỡ cộng đồng ở khu vực TP.HCM mà còn di chuyển qua các tỉnh Bình Dương, Long An, Tây Ninh, Tiền Giang và Vũng Tàu để cấp phát thuốc cho bệnh nhân trong điều kiện họ không thể đi lại do giãn cách xã hội.

Nhắc về khoảng thời gian đó, anh Hiếu cười: "Chúng tôi phải làm việc từ 7 giờ sáng đến 12 giờ đêm, đi lại liên tục 6 tỉnh, thành. Có một hôm đi giao thuốc, tôi và bạn phó giám đốc phải dầm mưa suốt 8 tiếng trên địa bàn huyện Củ Chi, Hóc Môn, khi về đến đoạn Trường Chinh, hai đứa cầm hai cái bánh bao mà rớt nước mắt. Ba tháng làm việc liên tục, ai mà không mệt nhưng trong lòng tôi thấy vui lắm, vì trong mùa dịch chúng tôi đã gửi 1.800 liều thuốc cho bệnh nhân, nhận được 1.800 lời cảm ơn, cảm thấy rất sung sướng". 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tìm lại giá trị sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO