Tìm đường đi mới cho tranh gạo

VÂN THẢO| 23/12/2015 03:48

Bảy năm trước, khi được một người anh học chung trường tặng bức tranh gạo làm kỷ niệm...

Tìm đường đi mới cho tranh gạo

Bảy năm trước, khi được một người anh học chung trường tặng bức tranh gạo làm kỷ niệm, Nguyễn Thị Thu Hoài vô cùng thích thú, cộng thêm niềm đam mê kinh doanh từ nhỏ đã thôi thúc cô bé 15 tuổi tìm hiểu về sản phẩm nghệ thuật này. 

Đọc E-paper

Hoài cho biết, kỹ thuật làm tranh gạo không quá khó, quan trọng là người làm tranh cần có tính cẩn trọng, đặc biệt trong khâu chọn nguyên liệu. Gạo - nguyên liệu chính - phải là loại hạt thon, đều và săn chắc để hạn chế tỷ lệ gạo bị nát trong quá trình rang.

Thời gian rang gạo được điều chỉnh tùy theo mỗi sắc độ màu phù hợp với nội dung tranh. Theo Hoài, đây là công đoạn khó nhất, đòi hỏi kinh nghiệm và linh cảm nghề nghiệp của người làm tranh.

Tiếp đến là khâu phác thảo hình ảnh trên khung gỗ ép bằng cách xếp gạo theo các nét chính của bức tranh trước khi đổ gạo lên và san đều những khoảng trống đã được định hình sẵn, sau đó phun keo để cố định vị trí từng hạt gạo và đem phơi dưới nắng từ 2 - 3 ngày để gạo khô, dính chặt vào bề mặt gỗ.

Cuối cùng, xử lý bề mặt tranh bằng lớp hóa chất chống ẩm mốc, mối mọt và giữ màu sắc được lâu hơn trước khi lắp vào khung tranh. "Yêu cầu khó nhất khi làm tranh gạo chính là khả năng phối màu, vì gạo rang cho màu rất hạn chế, chỉ từ màu trắng chuyển đến đen thôi nên nếu không khéo sẽ khiến bức tranh không có gì đặc sắc", Hoài chia sẻ.

Sau 5 năm bắt tay vào làm tranh gạo, sản phẩm của Thu Hoài không chỉ xuất hiện trên thị trường Việt Nam mà còn được "xuất khẩu" sang Đức và Cộng hòa Séc.

Ngay khi bắt đầu kinh doanh, Hoài đã tận dụng các mối quan hệ sẵn có để giới thiệu sản phẩm ra nước ngoài, đồng thời tìm kiếm khách hàng trong nước là các công ty, tổ chức, thay vì hướng đến phân khúc người tiêu dùng nhỏ lẻ như các thương hiệu truyền thống khác.

Thu Hoài nhớ lại: "Thời gian đầu, việc vận chuyển hàng ra nước ngoài gặp khá nhiều khó khăn bởi mình chủ yếu nhờ người quen xách tay sang. Lúc đó, lại chỉ mới học cấp 2 nên kiến thức kinh doanh cũng như khả năng ngoại ngữ để giao tiếp với khách hàng còn hạn chế”.

Sắp tới, Thu Hoài dự định phát triển mặt hàng nội thất ốp gạo với đối tượng hướng đến là khách du lịch và các công ty lữ hành. Hiện đã có một nhà thầu xây dựng trong nước đề nghị sử dụng tranh gạo của Hoài vào trang trí nội thất... Đề án Tranh gạo Hương Việt đã đạt giải thưởng của Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can 2015 do Báo Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức.

Hoài cho biết, cái "được" lớn nhất của cô khi tham gia cuộc thi này chính là những góp ý, tư vấn của các giám khảo là những chuyên gia tài chính, doanh nhân thành đạt, họ đã giúp cô có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng trong việc phát triển và phân phối một sản phẩm. Hoài đã có thêm nghị lực và động lực để dấn bước trên con đường lập nghiệp sau khi nhận giải thưởng này.

>Vẽ tranh bằng hạt gạo

>Tranh vẽ từ... vi khuẩn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tìm đường đi mới cho tranh gạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO