Thời sự

Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả

Nhật Hưng 06/08/2024 - 11:26

Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc họp với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số bộ, ngành, cơ quan về chính sách tiền tệ, diễn ra chiều 5/8.

Theo báo cáo của NHNN tại cuộc họp, trong 7 tháng năm 2024, bám sát chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã chủ động theo sát diễn biến kinh tế trong và ngoài nước để triển khai đồng bộ các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận tín dụng ngân hàng, phục hồi sản xuất, kinh doanh, tăng khả năng hấp thụ vốn, thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hoạt động hệ thống tổ chức tín dụng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với ngành ngân hàng về chính sách tiền tệ. Ảnh: TTXVN

Đến ngày 31/7, tỷ giá trung tâm ở mức 24.255 đồng/USD, tăng 1,63% so với cuối năm 2023, mức trung bình thấp và ổn định so với các đồng tiền trong khu vực và trên thế giới.

Lãi suất đối với các khoản vay mới và cũ tiếp tục giảm, đến cuối tháng 6/2024, lãi suất cho vay bình quân ở mức 8,3%/năm, giảm 0,96% so cuối năm 2023; lãi suất tiền gửi bình quân ở mức 3,59%/năm, giảm 1,08%/năm so cuối năm 2023.

Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống phục hồi từ cuối tháng 3 và tăng dần qua các tháng, cao hơn so với mức tăng cùng kỳ năm 2023, đến hết quý II/2024 đạt 6% theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Cuối tháng 7/2024, dư nợ tín dụng gần 14,33 triệu tỷ đồng, tăng 14,99% so với cùng kỳ 2023 và tăng 5,66% so cuối năm 2023.

NHNN, các bộ, ngành, địa phương phối hợp triển khai các chương trình tín dụng ngành, lĩnh vực như: Chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư; chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản, với tổng lũy kế 34,4 nghìn tỷ đồng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả

Tại cuộc họp, các lãnh đạo bộ, ngành, cơ quan đã thảo luận về những thách thức trong việc tiếp tục giảm lãi suất cho vay và ổn định tỷ giá, khi thị trường ngoại hối đang đối mặt với nhiều khó khăn. Áp lực lạm phát ngày càng gia tăng, tăng trưởng tín dụng tại một số địa phương vẫn còn thấp, và việc triển khai các chương trình, chính sách tín dụng như gói 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, và dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư vẫn gặp nhiều trở ngại.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, từ đầu năm đến nay, việc lựa chọn và thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời và hiệu quả, cùng với sự phối hợp đồng bộ, hài hòa và chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý và các chính sách vĩ mô khác là một chủ trương phù hợp. Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện hiệu quả các chính sách này, góp phần đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý, tình hình vẫn còn nhiều khó khăn do mặt bằng lãi suất có xu hướng tăng. Cần có các giải pháp kiềm chế bằng công cụ ngân hàng, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nhưng phải đảm bảo giữ hoặc thậm chí giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành liên quan nắm chắc, bám sát tình hình; tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách vĩ mô khác để thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

Thủ tướng yêu cầu thực hiện các biện pháp tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước; quyết liệt triển khai chuyển đổi số, áp dụng hóa đơn điện tử trong quản lý thu; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên...

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo thúc đẩy tiêu dùng trong nước; chống buôn lậu, gian lận thương mại; đẩy mạnh thương mại biên giới, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và đẩy mạnh đàm phán các FTA mới; thúc đẩy sản xuất trong nước; đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng...

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tập trung giữ ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối; tăng tiếp cận vốn tín dụng, tập trung cho lĩnh vực ưu tiên cho các động lực tăng trưởng truyền thống và các động lực tăng trưởng mới; điều hành tỷ giá linh hoạt, gắn với huy động trái phiếu, cung ngoại tệ, thu hút FDI, thúc đẩy xuất khẩu và tiền gửi nước ngoài về; vận động các ngân hàng tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay vào các động lực tăng trưởng, dự án phát triển hạ tầng quan trọng, trong đó các Ngân hàng Nhà nước phải tiên phong thực hiện, với phương châm “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

Về gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, Thủ tướng nêu rõ, đây là một chính sách nhân văn làm cho người nghèo có nhà, vì vậy phải có chính sách phù hợp, hợp lý để người dân tiếp cận được gói tín dụng này, nhất là khi 4 Luật về đất đai, nhà ở vừa có hiệu lực.

Thủ tướng tin tưởng, ngành ngân hàng và các bộ, ngành “đã làm tốt rồi thì làm tốt hơn nữa”; phát huy, thúc đẩy những kết quả đạt được, vượt qua khó khăn thách thức để làm tốt hơn trong thời gian tới, góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO