Tiền đầy túi, ngân hàng vẫn khó cho vay

Dương Nguyễn| 03/07/2020 07:49

Dù muốn hỗ trợ doanh nghiệp nhưng các ngân hàng không thể hạ tiêu chuẩn cho vay, bởi đây là hành lang pháp lý do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định. Đây là lý do chính khiến ngân hàng dù sẵn vốn nhưng doanh nghiệp vẫn khó vay.

Gần 385.000 tỷ đồng hỗ trợ 231.000 doanh nghiệp

Chia sẻ tại "Hội nghị hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh sau dịch Covid-19" chiều ngày 2/7/2020, đại diện NHNN cho biết, các tổ chức tín dụng tại TP.HCM đã tích cực vào cuộc. Theo đó, tính đến thời điểm cuối tháng 6/2020, các tổ chức tín dụng đã hỗ trợ doanh nghiệp (cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất các khoản vay cũ, cho vay mới với lãi suất ưu đãi) với tổng giá trị gần 385.000 tỷ đồng cho gần 231.000 khách hàng.  

Riêng chương trình "Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp 2020" có 12 ngân hàng thương mại đăng ký tham gia gói tín dụng gần 275.000 tỷ đồng. Đến cuối tháng 5/2020, gói này giải ngân đạt hơn 127.000 tỷ đồng cho khoảng 6.000 khách hàng.

Ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, trong 6 tháng đầu năm, TP.HCM hụt thu ngân sách 14%. UBND TP.HCM đã thành lập tổ chuyên phụ trách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về vốn, thuế, bảo hiểm để thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

[Caption]Ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu các sở, ngành phải sâu sát hơn nữa để ghi nhận đầy đủ các kiến nghị của các doanh nghiệp và ngân hàng, nhằm giải quyết những khó khăn phát sinh trong quá trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp.

Ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó chủ tịch UBND TP.HCM

Ông Tuyến yêu cầu các sở, ngành phải sâu sát hơn nữa để ghi nhận đầy đủ các kiến nghị của các doanh nghiệp và ngân hàng, nhằm giải quyết những khó khăn phát sinh trong quá trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp. "Chúng tôi không hô hào hay nói suông, mà nói thật làm thật", ông Tuyến khẳng định.

Ngân hàng nhiều tiền nhưng chưa tiêu được

Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, hiện khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế đang rất yếu. Do đó, trong 6 tháng đầu năm 2020, tín dụng cả nước chỉ tăng 3,26% so với cuối năm 2019. Riêng TP.HCM, mọi năm vẫn có mức tăng trưởng tín dụng cao hơn bình quân chung của cả nước, nhưng 6 tháng qua tín dụng cũng chỉ tăng 2,52%.

Về phía ngân hàng, để đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó Covid-19, kể từ khi có Thông tư 01 ngày 13/3/2020, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã cơ cấu được cho hơn 1.500 khách hàng, với dư nợ 10.000 tỷ trong tổng số đăng ký là hơn 20.000 tỷ đồng.

Từ đầu tháng 3/2020, Sacombank đã giảm 0,5% lãi suất vay mới. Từ ngày 11/5/2020, ngân hàng này triển khai gói cho vay ưu đãi lãi suất chỉ 5%/năm có giá trị 6.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Phan Đình Tuệ - Phó tổng giám đốc Sacombank cũng cho biết: "Hiện nay, nhu cầu khách hàng rất thấp nên dù ngân hàng có nhiều tiền nhưng chưa tiêu được".

[Caption]Ông Phan Đình Tuệ - Phó tổng giám đốc Sacombankcho biết: “Hiện nay, nhu cầu khách hàng rất thấp nên dù ngân hàng có nhiều tiền nhưng chưa tiêu được”.

Ông Phan Đình Tuệ - Phó tổng giám đốc Sacombank

Khi cho vay, các tiêu chí thẩm định còn tùy thuộc vào "khẩu vị" và mức độ vận dụng của từng tổ chức tín dụng. Bởi vì dù đã đáp ứng được điều kiện rồi, ngân hàng phải đánh giá nhiều tiêu chí khác nữa. Chẳng hạn, doanh nghiệp đó có uy tín hay không? Phương án kinh doanh có khả thi hay không? Chủ doanh nghiệp có đủ kinh nghiệm điều hành sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực đó hay không?… "Sự linh hoạt của ngân hàng để hỗ trợ khách hàng nằm ở quá trình xác minh thẩm định. Dù vậy, ngân hàng không thể hạ tiêu chuẩn cho vay, bởi đây là hành lang pháp lý do NHNN quy định", ông Tuệ lý giải.

Để cho vay được nhiều hơn, ông Nguyễn Phước Hưng - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM đề xuất, ngành ngân hàng nên tăng cường cho vay trung dài hạn với lãi suất thấp để giúp doanh nghiệp đầu tư, tái cơ cấu sản xuất.

[Caption]Ông Nguyễn Phước Hưng - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM đề xuất: “Các chính sách hỗ trợ cũng như điều kiện phải được phổ biến rộng rãi, không nên để ai biết thì xin, không biết thì thôi”.

Ông Nguyễn Phước Hưng - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM

Bên cạnh những doanh nghiệp bị thiệt hại do dịch, ông Hưng cũng đề nghị ngân hàng hỗ trợ cả những trường hợp không bị thiệt hại. Thủ tục cần đơn giản để nhiều doanh nghiệp có thể tiếp cận được. "Các chính sách hỗ trợ cũng như điều kiện phải được phổ biến rộng rãi, không nên để ai biết thì xin, không biết thì thôi", ông Hưng nhấn mạnh.

Để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN Việt Nam sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, giữ ổn định lãi suất và tỷ giá. NHNN cũng sẽ nhanh chóng sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 theo hướng kéo dài thời gian hỗ trợ có thể đến hết năm 2020, hoặc lâu hơn nữa tùy theo diễn biến của dịch bệnh. 

[Caption]Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cam kết, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, giữ ổn định lãi suất và tỷ giá.

Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú

Dù ngân hàng đưa ra nhiều gói hỗ trợ, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng tiếp cận được. Phía ngân hàng cũng xác nhận chuyện này là có thật. Ông Tuệ - Sacombank cho biết, doanh nghiệp khó khăn thì ngân hàng cũng khó khăn, nên không phải trường hợp nào cũng hỗ trợ được.

Chia sẻ với Báo Doanh Nhân Sài Gòn, ông Tuệ nói trước đây có thời điểm vay vốn ngân hàng rất khó. Nhưng gần đây, các ngân hàng giành nhau từng khách hàng, nên chuyện khó vay vốn không còn nữa. Trừ những thời điểm bị ảnh hưởng bởi chính sách điều hành vĩ mô của NHNN về tăng trưởng tín dụng.  

Để hỗ trợ thủ tục cho khách hàng, Sacombank đang giảm rất nhiều thủ tục cấp tín dụng, từ 25 văn bản xuống còn dưới 5 văn bản. Quy trình cấp tín dụng, duyệt vay cũng được thực hiện trực tuyến, nhanh hơn rất nhiều so với làm bằng văn bản giấy.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tiền đầy túi, ngân hàng vẫn khó cho vay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO