Thực thi Luật PPP: Những bất cập cần khắc phục

Ngọc Quỳnh| 27/06/2022 06:00

Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) đã có hiệu lực gần hai năm, nhưng đến nay vẫn chưa có đủ các mẫu hợp đồng đầu tư theo phương thức PPP để các bên liên quan triển khai, nhất là với các công trình hạ tầng giao thông; thiếu nhiều quy định điều chỉnh những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn; chưa tạo được sức hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư.

-8882-1656042676.jpg

Tại cuộc tọa đàm "Tìm kiếm phương thức hợp tác PPP hiệu quả trong các dự án xây dựng và vận hành hạ tầng giao thông theo mô hình BOT tại Việt Nam" diễn ra ngày 21/6/2022, do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với các bên liên quan thực hiện, ông Dương Đăng Huệ - Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật kinh tế, Bộ Tư pháp cho rằng, Luật PPP ra đời đã chấm dứt tình trạng đầu tư theo phương thức PPP tại Việt Nam không được điều chỉnh bởi luật. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai còn rất nhiều hạn chế, thiếu nhiều quy định để điều chỉnh các vấn đề cụ thể có liên quan đến thực hiện hợp đồng PPP. Một số quy định trong hệ thống pháp luật về PPP còn mâu thuẫn giữa luật và nghị định, mâu thuẫn ngay trong luật cũng như trong nghị định dưới luật.

Ông Nguyễn Quang Dũng - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả phản ánh, trong triển khai dự án PPP, giai đoạn chuẩn bị đầu tư, các thủ tục mất rất nhiều thời gian, kéo dài từ 1,5-2 năm. Quy định doanh nghiệp (DN) được thành lập chỉ có mục đích duy nhất là để ký kết hợp đồng và thực hiện dự án PPP là không phù hợp với quyền được kinh doanh trong các lĩnh vực, ngành nghề mà pháp luật không cấm. Bởi trên thực tế, DN thực hiện dự án PPP còn kinh doanh các lĩnh vực khác để bổ trợ, chẳng hạn như kinh doanh trạm dừng nghỉ, huy động thêm vốn, bổ sung nguồn vốn chủ sở hữu...

Theo ông Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, Luật PPP ra đời đã "chữa" được ba "căn bệnh nan y" trong đầu tư công các công trình giao thông, đó là chậm tiến độ, vượt tổng mức đầu tư, chất lượng công trình không đảm bảo. Thế nhưng, từ năm 2016 (ngay cả sau khi Luật PPP có hiệu lực năm 2021) đến nay, có rất ít hợp đồng PPP thực hiện dự án hạ tầng giao thông được ký kết. 

Link bài viết

Nguyên nhân chính, theo ông Trần Chủng, thứ nhất là do sự bất bình đẳng trong thực hiện hợp đồng PPP giữa Nhà nước và DN (chủ đầu tư), có những cam kết cơ quan quản lý nhà nước không thực hiện khiến nhà đầu tư thiệt hại nhưng không có ai bị xử lý, còn khi nhà đầu tư vi phạm hợp đồng thì bị xử phạt.

Thứ hai, tỷ lệ vốn góp từ ngân sách nhà nước vào các công trình PPP không quá 50%, còn lại nhà đầu tư phải lo. Tỷ lệ này chưa hấp dẫn để lôi kéo vốn từ khu vực tư nhân. Bởi nhà đầu tư thực hiện dự án PPP cần nguồn vốn lớn trung và dài hạn, chủ yếu phải vay ngân hàng, trong khi các ngân hàng thương mại chủ yếu huy động tiền gửi ngắn hạn, khi cho vay dự án PPP là dài hạn, tính rủi ro cao, nên các điều kiện vay vốn ngân hàng trung và dài hạn là rất khắt khe, thậm chí DN không thể tiếp cận.

Thứ ba, giải phóng mặt bằng nhiều vướng mắc, một số địa phương phó mặc việc giải phóng mặt bằng cho nhà đầu tư.

Thứ tư, trong hợp tác PPP có tới 7 hình thức hợp đồng, nhưng tại Việt Nam chủ yếu áp dụng hình thức hợp đồng BOT.

Thứ năm, quản lý đơn giá và định mức liên quan đến đầu tư PPP còn cứng nhắc. Muốn áp dụng tiến bộ khoa học vào thực hiện dự án, ví dụ để khắc phục vấn đề hằn lún vệt bánh xe trên mặt đường có thể sử dụng vật liệu polyme sẽ nâng cao được chất lượng, giúp kéo dài hiệu quả bảo trì, bảo dưỡng, nhưng giá thành lại cao, do quy định đơn giá và định mức cứng nhắc nên các chủ đầu tư không dám áp dụng vì sợ sai phạm. 

Ông Trần Chủng kiến nghị, Nhà nước cần sớm bổ sung các quy định cụ thể, rõ ràng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên (Nhà nước và DN) trong hợp đồng PPP. 

Khi chưa có quỹ đầu tư hạ tầng giao thông, chưa có phương án trái phiếu cho các dự án hạ tầng giao thông khả thi, cần có chính sách phù hợp cho nhà đầu tư tiếp cận vốn ngân hàng, hoặc áp dụng mô hình hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) của các nhà đầu tư tiềm năng được thụ hưởng quyền lợi hình thành do chính con đường mà dự án tạo ra để tạo nguồn vốn ổn định cho nhà đầu tư.

Nhiều dự án PPP cần nới rộng biên độ hỗ trợ từ ngân sách nhà nước lớn hơn 50%, nhất là đối với các dự án ở vùng sâu, vùng xa, các công trình có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng. Quy định một mạng lưới công trình song hành mạng lưới đường cao tốc trong cả nước do Bộ Giao thông Vận tải quản lý, nhà đầu tư thực hiện dự án bỏ vốn xây dựng, khai thác và không tính vào tổng mức đầu tư. Tách khâu giải phóng mặt bằng công trình hạ tầng giao thông PPP giao cho các địa phương chịu trách nhiệm thực hiện. 

Theo ông Dương Đăng Huệ, Chính phủ cần sớm ban hành các quy định cụ thể về 7 mẫu hợp đồng PPP để có đủ cơ sở và đa dạng loại hình cho DN thực hiện dự án PPP và các cơ quan nhà nước có liên quan lựa chọn hình thức thực hiện, thay vì chủ yếu áp dụng loại hình hợp đồng BOT như hiện nay. Cần sớm tổ chức sơ kết, đánh giá hai năm thi hành Luật PPP để chỉ ra những thành công, những bất cập, qua đó điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi chính sách cho phù hợp thực tiễn. Quốc hội cần giám sát chặt việc thi hành Luật PPP.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thực thi Luật PPP: Những bất cập cần khắc phục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO