Theo bà Nguyễn Thị Bích Hường - Phó tổng biên tập Tạp chí điện tử Doanh nghiệp Việt Nam, một trong những chủ đề hiện thức hoá tinh thần "Gắn kết" là thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Theo đó, liên kết kinh tế sâu rộng và kết nối toàn diện trong nội khối và với các đối tác. Đồng thời, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội trên nền tảng đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ số và các công nghệ mới…
Tại sự kiện, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nêu rõ về hai lĩnh vực thế mạnh của các nước ASEAN, là nông sản miền nhiệt đới và du lịch.
Theo ông Thân, về nông sản nhiệt đới, bên cạnh các thị trường truyền thống của mỗi nước, bản thân thị trường các nước ASEAN với nhau cũng còn rất nhiều không gian để phát triển. Nông nghiệp công nghệ cao đã được thực hiện ở hầu hết các quốc gia ASEAN, các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của miền nhiệt đới sẽ được thúc đẩy tìm đến các thị trường mới.
Riêng về thị trường du lịch, đây là ngành kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19. Hiện, thị trường du lịch nội địa Việt Nam cũng như các nước ASEAN đã mở cửa trở lại, tuy chưa đạt mức bình thường như trước khi xảy ra dịch bệnh, nhưng đã phần nào tạo niềm tin cho các doanh nghiệp vào một thị trường hồi phục nhanh.
Theo thống kê của Hội đồng Du lịch thế giới, khách du lịch đóng góp tới 13% GDP của khu vực Ðông Nam Á năm 2018, cao thứ hai chỉ sau khu vực Caribe. Dịch vụ cho khách du lịch nước ngoài tạo ra 220 tỷ USD doanh thu khu vực trong năm 2018.
Với tầm quan trọng như vậy, việc các nước ASEAN phối hợp hành động để từng bước mở cửa lại thị trường du lịch sẽ có tác động rất lớn đến sự phục hồi của thị trường tại từng nước ASEAN cũng như thị trường khu vực, và đón đầu sự phục hồi của thị trường quốc tế.