Ngày 8/2, tại xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai), Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức Lễ thông xe và đưa vào khai thác đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là tuyến đường bộ cao tốc nằm trên tuyến đường bộ cao tốc phía Đông thuộc quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam từ Thành phố Hồ Chí Minh nối Quốc lộ 51 và Quốc lộ 1A.
Tổng chiều dài toàn tuyến là 55 km được chia làm hai dự án thành phần: Dự án thành phần I (đoạn An Phú – Vành đai II) được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị, tốc độ thiết kế 80 km/h, quy mô giai đoạn I là 4 làn xe, chiều rộng nền đường 26,5m; mặt đường rộng 2x7,5m và 2 làn dừng khẩn cấp 2x3m.
Tổng mức đầu tư giai đoạn I của dự án là 20.630 tỷ đồng, được huy động từ nguồn vốn vay OCR của Ngân hàng phát triển Châu Á (276,8 triệu USD), vốn vay ODA của JICA (640,3 triệu USD) và vốn đối ứng.
Dự án thành phần II (đoạn Vành đai II - Long Thành - Dầu Giây) thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 120km/h (riêng cầu Long Thành tốc độ thiết kế 100 km/h), quy mô 4 làn xe, chiều rộng mặt đường là 27,5m với 2 làn dừng xe khẩn cấp 2x3m.
Theo ông Mai Tuấn Anh - Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC), đường từ TP.HCM đi ngã ba Dầu Giây theo lộ trình cũ dài khoảng 70km, ô tô chạy khoảng 3 giờ do thường xuyên ùn tắc, nay đi cao tốc sẽ rút ngắn được 20km lộ trình và thời gian còn khoảng 1 giờ, giảm 20-30% chi phí vận tải.