Tỉnh Đồng Tháp phát triển theo hướng sản xuất các loại sản phẩm đặc sản chất lượng cao và đẩy mạnh xuất khẩu. Các sản phẩm nông thuỷ sản chủ lực của tỉnh như gạo, cá tra, trái cây đã được xuất khẩu sang nhiều quốc gia, trong đó Trung Quốc là thị trường lớn của nông thuỷ sản của Đồng Tháp vì vậy các doanh nghiệp Đồng Tháp cần tăng cường kết nối với các doanh nghiệp Trung Quốc, đảm bảo đáp ứng những yêu cầu của nước bạn về chất lượng sản phẩm, mẫu mã, khả năng bảo quản, lưu thông hàng hóa để hai bên cùng có lợi.
Theo ông Đào Việt Anh, Tham tán Việt Nam tại Bắc Kinh gạo Việt có mặt trên nhiều địa phương ở Trung Quốc, nhất là các siêu thị. Vấn đề chất lượng, an toàn thực phẩm là khâu khá quan trọng khi gạo Việt Nam xuất qua thị trường Trung Quốc, vì vậy các doanh nghiệp trong nước cần xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt bài bản và chuyên nghiệp. Trung Quốc cũng tăng cường kiểm soát chặt chẽ công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với mặt hàng gạo, do vậy, các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo của Việt Nam cần tuân thủ nghiêm túc các quy trình, quy định về kiểm dịch, xông hơi khử trùng, quy cách bao bì, đóng gói, tránh sai sót, rủi ro, có thể phát sinh khi xuất khẩu gạo sang thị trường này.
Cũng trong khuôn khổ chương trình xúc tiến thương mại này, ngày 09/ 5 / 2019, tại thành phố Long Xuyên (An Giang), đã diễn ra “Hội thảo hợp tác thương mại gạo giữa Việt Nam - Trung Quốc”. Hội thảo giao thương là cơ hội để doanh nghiệp nhập khẩu gạo Trung Quốc hiểu thêm về ngành lúa gạo Việt Nam, về chất lượng sản phẩm gạo, những định hướng, kế hoạch phát triển ngành sản xuất, thương mại gạo của Việt Nam trong thời gian tới để có thể định hình kế hoạch kinh doanh, đầu tư hay giao dịch, hợp tác với các doanh nghiệp gạo của Việt Nam. Kết thúc Hội thảo, đã có 2 thương nhân xuất khẩu gạo của tỉnh An Giang là Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời và Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương đã ký kết được 5 Bản ghi nhớ về hợp tác thương mại gạo với các thương nhân nhập khẩu gạo của Trung Quốc với tổng lượng gạo là 84.000 tấn/năm.