Xuất khẩu và nhập siêu 2010: không dễ đạt chỉ tiêu

22/01/2010 09:53

Năm 2010, liệu ngành công thương sẽ làm gì khác để đạt hoặc vượt được chỉ tiêu xuất khẩu (59,9 tỉ USD, tăng 6% với năm 2009), và tiếp tục kiềm chế tỷ lệ nhập siêu dưới 20% theo yêu cầu?

Xuất khẩu và nhập siêu 2010: không dễ đạt chỉ tiêu

Với ngành công thương, 2009 là năm thất bại trong hai chỉ tiêu quan trọng: đẩy mạnh xuất khẩu và kiềm chế nhập siêu. Kim ngạch xuất khẩu cả năm qua chỉ đạt 56,6 tỉ USD, giảm 9,7% so với năm 2008 (chỉ tiêu đã điều chỉnh là tăng 3%). Còn tỷ lệ nhập siêu tính trên tổng kim ngạch xuất khẩu là 21,6%, cũng vượt quá yêu cầu của Chính phủ (dưới 20%). Năm 2010, liệu ngành công thương sẽ làm gì khác để đạt hoặc vượt được chỉ tiêu xuất khẩu (59,9 tỉ USD, tăng 6% với năm 2009), và tiếp tục kiềm chế tỷ lệ nhập siêu dưới 20% theo yêu cầu?

Năm 2010, liệu ngành công thương sẽ làm gì khác để đạt hoặc vượt được chỉ tiêu xuất khẩu (59,9 tỉ USD, tăng 6% với năm 2009), và tiếp tục kiềm chế tỷ lệ nhập siêu dưới 20%?

Xuất khẩu: tăng 6% hay gần 10%?

Ở lĩnh vực xuất khẩu, nếu chỉ nhìn sơ qua vào con số, người ta dễ tưởng rằng, bộ Công thương đã xây dựng một phương án thấp, rất dễ đạt và vượt để lập thành tích. Bởi vì, cuối năm 2009 và đầu năm nay, đã xuất hiện nhiều yếu tố có thể giúp đẩy mạnh xuất khẩu.

Trước tiên là việc nhiều nền kinh tế, cũng là các thị trường xuất khẩu truyền thống, lớn nhất của Việt Nam như: Mỹ, EU, Nhật Bản… có biểu hiện phục hồi, kéo theo nhu cầu tiêu thụ tăng, làm tăng giá mua các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu vào các thị trường này. Kế đến là sản xuất trong nước phục hồi sẽ giúp đẩy mạnh hàng xuất khẩu hàng hoá. Cuối cùng là việc cuối năm 2009, Việt Nam ký được thêm một số hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là với Nhật Bản (đã có hiệu lực)…

Tuy nhiên, nếu xét một số thực tế khác thì chỉ tiêu xuất khẩu tăng 6% ấy cũng không hề dễ đàng đạt được. Những trở ngại cho xuất khẩu năm 2010 không chỉ là sự phục hồi kinh tế ở nhiều nước còn chậm chạp, lượng hàng tiêu thụ và giá chưa dễ tăng nhanh và nhất là xu hướng bảo hộ mậu dịch tăng lên ở nhiều nước… mà còn do những hạn chế nội tại trong năng lực xuất khẩu của Việt Nam. Năm 2009, sở dĩ xuất khẩu giảm nhưng mức giảm không sâu chính là vì Việt Nam đã tính cả kim ngạch xuất khẩu vàng.

Nên nhớ là kim ngạch xuất khẩu vàng cả năm 2009 lên tới 2 tỉ USD. Nếu trừ đi yếu tố này (như nhiều nước không tính) thì kim ngạch xuất khẩu cả năm 2009 của Việt Nam chỉ còn 54,6 tỉ USD. Cho nên, nếu năm sau không xuất khẩu vàng được như năm 2009 thì thực chất, yêu cầu tăng trưởng xuất khẩu là 9,9% so với năm 2009, chứ không phải là 6%.

Nhìn vào từng nhóm hàng chủ lực, có thể thấy việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu là không đơn giản. Với hai nhóm hàng nông – thuỷ sản và nhiên liệu – khoáng sản, bộ Công thương dự báo là lượng xuất khẩu sẽ giảm cho nên sẽ phải trông chờ vào yếu tố tăng giá. Việc tăng khối lượng nhóm hàng nông, lâm sản được cho là sẽ vô cùng khó khăn, thậm chí lượng xuất khẩu có thể giảm, như gạo dự kiến xuất khẩu năm 2010 khoảng 5,5 triệu tấn, giảm 9,9% về lượng, hạt tiêu và sắn các loại giảm khoảng 11%.

Trong nhóm nhiên liệu – khoáng sản: mặt hàng chiếm kim ngạch lớn nhất là dầu thô sẽ giảm lượng xuất khẩu khoảng 3,5 triệu tấn để phục vụ cho nhà máy lọc dầu Dung Quất. Việc giảm 3,5 triệu tấn này sẽ làm kim ngạch giảm khoảng 1,62 tỉ USD (giá bình quân năm 2009) hoặc 1,9 tỉ USD. Lượng xuất khẩu than đá dự kiến cũng sẽ giảm 2,5 – 3 triệu tấn, tương đương 130 triệu USD. Ước tính sơ bộ, lượng xuất khẩu của hai nhóm này giảm cũng làm kim ngạch giảm trên 2,3 tỉ USD.

Nhập siêu: không dễ giảm bằng biện pháp cũ

Còn về nhập siêu, 21,6% năm 2009 vẫn là một tỷ lệ rất cao mặc dù có giảm so với năm 2008 (giảm 32,1%). Đáng lưu ý là nhập siêu dịch vụ lại bắt đầu tăng lên. Tuy năm 2009, nhập siêu dịch vụ bằng 18,6% kim ngạch xuất khẩu dịch vụ nhưng lại tăng 17% so với năm 2008. Tại hội nghị bàn về phát triển kinh tế – xã hội năm 2010 với lãnh đạo các địa phương mới đây, Thủ tướng tiếp tục yêu cầu phải giảm tỷ lệ nhập siêu năm 2010 xuống còn khoảng 20%, bởi nhập siêu có thể gây mất ổn định kinh tế vĩ mô do nhập siêu cao sẽ làm mất cân bằng cán cân thanh toán, gây sức ép lên tỷ giá.

Nhưng đây cũng là một nhiệm vụ không dễ dàng. Thứ nhất, do kinh tế thế giới phục hồi, giá cả nhiều loại nguyên vật liệu, nhiên liệu, máy móc... sẽ tăng mạnh. Việt Nam không dễ gì hạn chế tăng trưởng nhập khẩu dưới 9%. Ngay trong các tháng cuối năm 2009, giá cả nhiều nhóm hàng nhập về Việt Nam đã tăng rất nhanh: tính chung ba tháng cuối năm, mức giá nhập khẩu bình quân của các nhóm mặt hàng đã tăng 10% so với giá bình quân nhập về trong chín tháng đầu năm. Thứ hai, do sản xuất trong nước phục hồi, cộng thêm yếu tố các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2010 có khả năng giải ngân nhiều hơn (do năm 2009 có thêm 22 tỉ vốn FDI đăng ký), kéo theo nhu cầu nhập khẩu máy móc, nguyên vật liệu tăng...

Để giảm nhập siêu, bộ Công thương vừa qua đã đưa ra các giải pháp: siết chặt nhập khẩu hàng tiêu dùng bằng cơ chế cấp giấy phép nhập khẩu tự động, đề nghị ngân hàng Nhà nước hạn chế cho vay nhập khẩu hàng tiêu dùng (ôtô, điện thoại...), đề nghị bộ Tài chính tăng thuế nhập khẩu ôtô... Tuy nhiên, nhiều chuyên gia thương mại cho rằng, đây là những biện pháp không có hiệu quả cao, có giải pháp còn nặng tính hành chính (như giấy phép nhập khẩu tự động) nên không dễ gì giúp kiềm chế nhập siêu.

Cho nên, có thể nói, dù mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2010 chỉ là 6%, dù tỷ lệ nhập siêu được phép dưới 20% là vẫn còn cao, nhưng đạt được hai mục tiêu này là hoàn toàn không dễ, nếu không có những giải pháp mới và hiệu quả hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xuất khẩu và nhập siêu 2010: không dễ đạt chỉ tiêu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO