Xuất khẩu sang Hàn Quốc: Cơ hội lớn, yêu cầu nhiều

26/11/2013 06:49

Nhiều DN Hàn Quốc mong muốn tìm kiếm nguồn hàng nông sản, thực phẩm chất lượng cao từ Việt Nam. Tuy nhiên, để XK sang Hàn Quốc, sản phẩm của Việt Nam phải đáp ứng những yêu cầu khắt khe của thị trường này.

Xuất khẩu sang Hàn Quốc: Cơ hội lớn, yêu cầu nhiều

Nhiều doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc mong muốn tìm kiếm nguồn hàng nông sản, thực phẩm chất lượng cao từ Việt Nam. Tuy nhiên, để xuất khẩu (XK) sang Hàn Quốc, sản phẩm của Việt Nam phải đáp ứng những yêu cầu khắt khe của thị trường này về thủ tục và chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).

Là tập đoàn bán lẻ lớn nhất Hàn Quốc, chiếm đến 38% thị phần với 150 điểm bán hàng và sở hữu 20 chi nhánh bán lẻ ở nước ngoài, E-Mart cho biết luôn có nhu cầu tìm kiếm, mở rộng các đối tác cung cấp hàng từ nhiều thị trường khác nhau để có nguồn hàng đa dạng, chất lượng tốt với giá cả phù hợp cung cấp cho khách hàng.

Đặc biệt, tập đoàn này rất quan tâm đến thị trường nông sản, thực phẩm và luôn chú trọng tìm kiếm các nhà XK có tiềm năng từ Việt Nam. Song, để được vào hệ thống siêu thị E-mart, hàng hóa cần phải vượt qua các bước kiểm tra, đánh giá rất khắt khe từ nhà bán lẻ này.

Yêu cầu khắt khe

Theo ông Chang Hun Lee - đại diện E-mart, trên cơ sở nghiên cứu tiềm năng thị trường và hồ sơ của các nhà XK, E-mart sẽ kiểm tra các thông tin liên quan đến chất lượng sản phẩm, như: thành phần làm nên sản phẩm, yếu tố dinh dưỡng, quy trình sản xuất của các nhà máy. Sau khi đã "qua" được bước kiểm tra hồ sơ, E-mart sẽ lấy mẫu hàng để đi kiểm tra chất lượng sản phẩm thông qua các thí nghiệm và bước này được thực hiện bởi một bên thứ ba. Khi hàng hóa đã đảm bảo được yêu cầu, đáp ứng được các tiêu chí chất lượng, E-mart sẽ thực hiện đàm phán và ký kết hợp đồng, trong đó thoả thuận về điều khoản hợp đồng, giá, lượng hàng và điều kiện thanh toán.

Cải thảo và ớt - nguồn nguyên liệu chính để làm ra sản phẩm kim chi - là những loại nông sản Hàn Quốc có nhu cầu nhập nhiều

Với quy trình ngặt nghèo, các bước kiểm tra hồ sơ, thử nghiệm sản phẩm thường diễn ra trong thời gian dài bởi có rất nhiều tiêu chí được đưa ra. Đơn cử như quy trình kiểm tra thành phần sản phẩm, nếu chỉ đáp ứng được 99% yêu cầu cũng bị loại. Hoặc các chỉ số về thành phần dinh dưỡng đều phải được liệt kê đầy đủ và tuân thủ theo tiêu chuẩn của Mỹ.

Các thông tin trên bao bì sản phẩm XK sẽ được kiểm tra theo các quy định của Hàn Quốc. Tất cả các chỉ tiêu và đánh giá về chất lượng sản phẩm XK cũng đều phải được công chứng và có chứng nhận từ các cơ quan quản lý. Quy trình đánh giá này sẽ được thực hiện trong khoảng 6 tháng đến 1 năm, song đại diện của E-mart cũng lưu ý thông thường, các sản phẩm đóng hộp sẽ bị kiểm tra khắt khe hơn các loại hoa quả, nông sản.

Còn theo ông Ho Yeo Lee - đại diện Công ty CJ Cheiljedang (một trong những DN thực phẩm tốt nhất của Hàn Quốc), quy trình nhập khẩu (NK) hàng hóa được tiến hành qua 3 giai đoạn: đánh giá ban đầu, đánh giá sản phẩm và kiểm tra chất lượng, thành phần sản phẩm. Với công cụ đánh giá riêng cho từng DN, đại diện của CJ Cheiljedang cho biết luôn coi trọng quá trình giao hàng, vận chuyển của đối tác và kiểm tra chất lượng sản phẩm. Việc đánh giá đối tác NK không dựa trên cơ sở DN đó lớn hay nhỏ, mà phụ thuộc vào chất lượng và hiệu quả hoạt động của quá trình hợp tác.

Hiện CJ Cheiljedang đang thực hiện 4 dự án với các đối tác từ Việt Nam. Với mong muốn tìm kiếm đối tác cung cấp sản phẩm có chất lượng cao hơn, ông Ho Yeo Lee cho biết đồ đóng hộp, đồ ăn vặt, trái cây… là những sản phẩm mà người Hàn Quốc có thói quen tiêu dùng, nên CJ Cheiljedang muốn tìm kiếm các nhà cung cấp nguyên liệu để làm ra các sản phẩm này.

Tiềm năng hợp tác lớn

Đơn cử như với lĩnh vực hàng nông sản, CJ Cheiljedang hiện đang thực hiện dự án đẩy mạnh đầu tư của DN tư nhân với các sản phẩm cải thảo, ớt - là nguồn nguyên liệu chính để làm ra sản phẩm kim chi.

"Chúng tôi đang thực hiện chiến lược liên quan đến từng lĩnh vực lớn, như: kinh doanh thức ăn ở ngoài đường phố, kinh doanh trong các rạp, các sản phẩm phim ảnh và home shopping. Với 4 lĩnh vực này, tất cả những mặt hàng mà các DN Việt Nam có thể cung cấp được thì đều có tiềm năng hợp tác", ông Lee nói.

Theo ông Hae Moon Chung - Tổng thư ký Trung tâm ASEAN Hàn Quốc, Việt Nam là quốc gia có nguồn nông sản, thuỷ sản phong phú, nên ngành gia công chế biến đang thu hút được sự chú ý đầu tư từ nhà đầu tư nước ngoài. Đây chính là cơ hội mở ra để tăng cường hợp tác về đầu tư và XK các sản phẩm nông sản, thực phẩm ở Việt Nam. Đặc biệt, thông qua triển lãm đồ gia dụng và thực phẩm được tổ chức vào tháng 9 vừa qua với sự tham dự của nhiều DN Việt Nam, nhà NK Hàn Quốc đánh giá cao tiềm năng và sự phát triển trong sản xuất ngành và DN Việt Nam.

Ông Đỗ Thắng Hải - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết trong 10 tháng đầu năm 2013, XK hàng hóa của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt trị giá 5,49 tỷ USD, trong đó hàng nông sản, thực phẩm chiếm hơn 10%. Các sản phẩm XK chủ yếu là: thuỷ sản, cà phê, rau quả chế biến, bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc… Với nhu cầu tiêu thụ rất lớn đối với hàng nông sản, thực phẩm, ông Hải cho rằng Hàn Quốc sẽ là thị trường tiềm năng cho các DN XK của Việt Nam. Đặc biệt, cơ hội hợp tác sẽ được mở ra khi Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Hàn Quốc được ký kết trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xuất khẩu sang Hàn Quốc: Cơ hội lớn, yêu cầu nhiều
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO