Xuất khẩu hàng dệt may, da giày không đạt kế hoạch

NGUYÊN BẢO| 20/09/2016 05:18

Giá trị xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện trong 8 tháng đạt 22,56 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời trở thành nhóm hàng có tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất cả nước trong 8 tháng đầu năm nay.

Xuất khẩu hàng dệt may, da giày không đạt kế hoạch

Giá trị xuất khẩu (XK) điện thoại các loại và linh kiện trong 8 tháng đạt 22,56 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời trở thành nhóm hàng có tỷ trọng XK lớn nhất cả nước khi chiếm đến gần 20% cơ cấu hàng XK trong 8 tháng đầu năm nay.  

Đọc E-paper

Trái với kết quả lạc quan này, ngành dệt may, da giày đã có một năm khá chật vật: giá trị xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm 2016 đạt 15,64 tỷ USD, tăng 5,5% (tương đương tăng 812 triệu USD) so với cùng kỳ năm 2015.

Ông Hà Duy Hưng - Tổng giám đốc Đông Hưng Group, một trong những doanh nghiệp (DN) lớn của ngành da giày, chia sẻ, chi phí đầu vào tăng trong khi giá đơn hàng không tăng khiến DN khó hơn những năm trước. Chẳng hạn, với Đông Hưng Group, nửa đầu năm, lượng đơn hàng đã giảm khoảng 30% và tình hình chỉ mới cải thiện trong hai tháng trở lại đây.

Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt May - Thêu - Đan TP.HCM đánh giá, năm nay, XK hàng dệt may gặp nhiều khó khăn, đơn hàng không phong phú, do sức tiêu thụ của một số thị trường lớn giảm và sự cạnh tranh từ các nước trong khu vực như Campuchia, Ấn Độ, Bangladesh và sắp tới có thể là Myanmar (vì Mỹ vừa dỡ bỏ lệnh cấm vận).

Chẳng hạn như DN Campuchia có thể nhận đơn hàng với mức giá thấp vì không phải chịu các khoản phí công đoàn, phí bảo hiểm xã hội. Thuế nhập khẩu vào thị trường Mỹ của DN Campuchia là 0%, trong khi thuế nhập khẩu bình quân của hàng dệt may Việt Nam vào thị trường này là 17 - 18%.

Theo thống kê của Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), trong 6 tháng đầu năm, XK hàng dệt may đạt 12,6 tỷ USD, tăng 4,72% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 41% kế hoạch của cả năm. Tuy nhiên, tăng trưởng này chủ yếu do sự đóng góp của các DN có vốn đầu tư nước ngoài, các DN nội địa đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng mới, đặc biệt là các đơn hàng sơ mi, quần, áo jacket.

Trong cuộc gặp gỡ báo chí tại TP.HCM vào giữa tháng 7/2016, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch VITAS cũng chia sẻ, việc thiếu đơn hàng trước mắt, các DN có thể khắc phục được, nhưng từ tháng 8/2016 trở đi sẽ rất khó, nhiều DN vừa và nhỏ phải đóng cửa do mất khả năng cạnh tranh. Nếu tình trạng này kéo dài, nhiều khả năng XK toàn ngành năm nay chỉ đạt 29 tỷ USD, thay vì 30 tỷ USD như mục tiêu đề ra.

Bên cạnh đó, dòng đầu tư trong lĩnh vực này cũng đang có dấu hiệu chững lại. Năm ngoái, "cây đũa thần" TPP (Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương) có tác động tích cực với ngành dệt may Việt Nam, DN phấn khích với lộ trình hiệu lực của TPP, nhưng với những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới từ đầu năm đến nay, hoạt động đầu tư, mở rộng của DN cũng phải chờ thông tin mới từ chính phủ các nước tham gia đàm phán hiệp định này. Điều này cũng phần nào ảnh hưởng đến ngành dệt may Việt Nam.

>Để dệt may – da giày thoát “kiếp gia công”

>TPP: Ngành dệt may, da giày cần tận dụng lợi thế từ công trình xanh

> TPP: Giá trị xuất khẩu ngành da giày sẽ tăng mạnh trong 2016

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xuất khẩu hàng dệt may, da giày không đạt kế hoạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO