Xuất khẩu gạo chất lượng cao tăng mạnh

08/09/2012 00:09

Theo VFA, điểm nổi bật của xuất khẩu gạo 8 tháng qua là lượng gạo chất lượng cao (5% tấm, gạo thơm, nếp) chiếm đến 62% tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2011.

Xuất khẩu gạo chất lượng cao tăng mạnh

Theo VFA, điểm nổi bật của xuất khẩu gạo 8 tháng qua là lượng gạo chất lượng cao (5% tấm, gạo thơm, nếp) chiếm đến 62% tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2011.

Nông dân Đồng Tháp thu hoạch lúa hè thu

Tại cuộc họp giao ban xuất khẩu gạo ngày 7/9 ở TP.HCM, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) xác định, với đà ký hợp đồng và giao hàng như hiện nay, việc xuất khẩu gạo đạt 7 triệu tấn năm 2012 là trong tầm tay.

Thông thường, tháng 8 thời điểm khá yên ắng trong việc ký hợp đồng và giao hàng nhưng tháng 8 vừa rồi hoàn toàn ngược lại. Trên 928.000 tấn gạo đã được giao, trị giá FOB 398,500 triệu USD (FOB). Đây là tháng có lượng gạo xuất khẩu cao nhất từ trước tới nay.

Gạo cấp cao chiếm 62% lượng xuất khẩu

8 tháng qua, đặc biệt những tháng đầu năm là thời điểm xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, giá giảm khá mạnh, hợp đồng ký thấp so với vài năm qua.

Mặc dù lượng gạo xuất khẩu 3 tháng gần đây rất cao nhưng do những tháng đầu năm giao hàng chậm nên hết 8 tháng lượng gạo xuất khẩu vẫn thấp hơn cùng kỳ năm 2011 khoảng 200.000 tấn (hơn 4%), chỉ đạt 5,1 triệu tấn và trị giá FOB 2,2 tỷ USD (giảm 10,2% so cùng kỳ). Giá gạo xuất khẩu bình quân thấp hơn 30,9 USD/tấn.

Tuy nhiên, tháng 8 vừa rồi, giá gạo Việt Nam xuất khẩu tăng đáng kể, nhất là từ nửa cuối tháng 8. Giá tăng 40 - 45 USD/tấn so với đầu tháng.

Theo lý giải của VFA, giá tăng do các nguyên nhân: thời tiết bất thường ở Mỹ, khu vực Biển Đen làm mất mùa lúa mì, tác động gián tiếp đến mặt hàng gạo. Nhưng lượng lúa gạo hàng hóa vụ hè thu vùng ĐBSCL “bỗng dưng” khan hiếm so với dự kiến vì gạo “chạy qua” biên giới phía Bắc và miền Tây khá lớn.

Lượng gạo qua 3 cửa khẩu giáp Campuchia, tỉnh Đồng Tháp và An Giang có thể lên đến 400.000 tấn, trong đó, chỉ ở cửa khẩu Tịnh Biên (An Giang) có ngày lên đến 5.500 tấn.

Trong khi đó, ở phía Bắc, thương nhân Trung Quốc thuê xe và người trong nước vận chuyển qua biên giới cũng không phải ít. Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Công ty Angimex (An Giang), không loại trừ khả năng doanh nghiệp (DN) lĩnh vực khác đầu cơ khi giá lúa gạo xuống thấp, trong khi lượng lúa gạo từ Campuchia về Việt Nam năm nay giảm mạnh và sản lượng hè thu có khả năng sụt giảm khi ở An Giang, nhiều nơi báo cáo giảm hơn vụ hè thu năm 2011 khoảng 10% - 15%.

Hiện nay, giá gạo Việt Nam cao hơn gạo Ấn Độ, kể cả Pakistan từ 10 đến vài chục USD/tấn, nhất là gạo từ 10% tấm trở lên và gạo tấm. Thị trường đã có sự hoán chuyển rõ rệt. Lượng gạo xuất khẩu theo hợp đồng tập trung giảm rất mạnh, chỉ còn 17,8% so với 82,1% là gạo xuất khẩu theo hợp đồng thương mại.

Theo VFA, điểm nổi bật của xuất khẩu gạo 8 tháng qua là lượng gạo chất lượng cao (5% tấm, gạo thơm, nếp) chiếm đến 62% tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2011.

Có được điều này một phần là do khách hàng chuyển qua mua gạo chất lượng cao Việt Nam khi giá gạo Thái Lan quá cao vì chính sách trợ giá cho nông dân của chính phủ nhưng cũng phải ghi nhận sự nhanh nhạy của DN khi trên thị trường nguồn cung không phải là ít như Ấn Độ, Pakistan…

Không vội ký hợp đồng

Theo VFA, kế hoạch năm 2012 là xuất khẩu 7 triệu tấn gạo nhưng với quan điểm là tiêu thụ hết lúa gạo hàng hóa trong dân nên lượng xuất khẩu có thể hơn con số trên. Dự kiến vụ thu đông sắp tới sẽ thu hoạch khoảng 2,6 triệu tấn lúa, trong đó, lượng gạo hàng hóa khoảng 300.000 tấn.

Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA cho rằng, lượng hợp đồng các DN ký được tháng 8 vừa qua khá lớn nhưng không vì thế mà lấy làm vui. Vì giá của DN khi ký tuy có cao hơn so với trước nhưng giá lúa gạo trong nước lại tăng nhanh và cao hơn so với diễn biến thị trường gạo thế giới.

Đây là điều gây ra không ít khó khăn cho DN. Vì vậy, các DN cần hết sức thận trọng, nhất là không vội ký với đối tác nước ngoài những hợp đồng với số lượng lớn.

VFA cũng nhắc lại, theo Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo, DN chỉ được ký hợp đồng khi trong kho của DN đó có từ 50% lượng gạo được ký trở lên, nhưng với tình hình hiện nay, tốt nhất là chỉ ký khi đã có 100% lượng hàng trong kho.

Điều quan trọng hiện nay là DN cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và thế giới, đặc biệt là tình hình khô hạn khu vực Biển Đen (dự báo thiệt hại 50% sản lượng lúa mì), Mỹ (khoảng 60% sản lượng), tồn kho cao của Ấn Độ; hiện tượng Elnino tác động đến Indonesia, kể cả nhu cầu thật sự của Philippines.

Riêng gạo vùng ĐBSCL bán qua Thái Lan, dù hiện nay có giảm đi nhưng vẫn còn qua biên giới Campuchia vài trăm tấn/ngày tại cửa khẩu Tịnh Biên. Dự báo, chỉ khi giá gạo tại đây trên 9.000 đồng/kg thì DN Thái Lan mới ngưng mua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xuất khẩu gạo chất lượng cao tăng mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO