Xuất khẩu 2009: Tăng trưởng âm 6%?

Nguồn VOVNews| 05/10/2009 09:37

Trong 9 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước ước đạt 41,7 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2008.

Xuất khẩu 2009: Tăng trưởng âm 6%?

Trong 9 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước ước đạt 41,7 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2008.

Khi đối phó với khủng hoảng tài chính khu vực năm 1997-1998, chúng ta đã áp dụng khá nhiều biện pháp để đi đến cân bằng xuất, nhập khẩu. Nhưng ngược lại, năm 2009, chênh lệch xuất, nhập khẩu hay nói cách khác, thâm hụt thương mại của nước ta có thể chiếm trên 11% GDP và nếu tính theo kim ngạch xuất khẩu cũng gần 20%.

Đây là một “thảm họa” của xuất nhập khẩu nước ta. TS. Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Thị trường giá cả (Bộ Tài chính) đã nhận định như vậy tại Hội thảo thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2009, diễn ra ngày 30/9, tại Hà Nội.

Trong 9 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước ước đạt 41,7 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2008.

Giá giảm, thị trường “thu hẹp”

Theo báo cáo của Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong 9 tháng qua, tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước ước đạt 41,7 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2008. Trong đó, nhóm hàng nông, lâm, thuỷ sản xuất khẩu chỉ đạt 9,2 tỷ USD, giảm 11,8%. TS. Nguyễn Thị Nhiễu, Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, có 3 yếu tố chính khiến kim ngạch xuất khẩu của nước ta sụt giảm mạnh, đó là: đơn đặt hàng ít đi, giá xuất khẩu giảm và sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch mới từ các nước nhập khẩu. 

TS. Nhiễu cho biết: “Nhiều năm qua, cơ cấu xuất khẩu hàng của nước ta đều tập trung phần lớn vào 3 thị trường: Mỹ, EU, Nhật Bản, chiếm tới 60% tổng kim ngạch xuất khẩu. Vì thế, chỉ cần giảm 1-5% ở thị trường này thì kim ngạch xuất khẩu của nước ta sẽ bị ảnh hưởng rất lớn”.

Theo TS. Nhiễu, cạnh tranh xuất khẩu đang trở nên vô cùng khắc nghiệt, nhất là khi nước ta mở cửa, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, dường như chúng ta chưa có sự thay đổi đáng kể nào về cơ cấu hàng xuất khẩu. Hiện tại, chúng ta vẫn dựa quá nhiều vào xuất khẩu nguyên liệu thô, hàng nông sản chưa qua chế biến, hàng hóa gia công với giá trị gia tăng thấp.

Theo thống kê, hai nhóm hàng nông lâm thủy sản và khoáng sản, than đá đã chiếm tới 40% kim ngạch xuất khẩu của nước ta. Riêng mặt hàng đá quý, kim loại quý lần đầu tiên đã nằm trong nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam, chiếm 7% kim ngạch xuất khẩu và có tốc độ tăng trưởng “thần kỳ” - 300% so với cùng kỳ năm 2008. Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu không có sự góp mặt của mặt hàng này thì mức suy giảm về xuất khẩu của nước ta còn lớn hơn rất nhiều so với con số hiện tại.

Đáng lưu ý là, 9 tháng vừa qua, nhiều vấn đề mới đã nảy sinh trong xuất khẩu như: lượng hàng hóa xuất khẩu tăng mạnh, nhưng kim ngạch lại không tăng tương ứng; Sự sụt giảm lớn xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp FDI đã khiến tỷ trọng của khu vực này trong cơ cấu xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam giảm xuống dưới 50% lần đầu tiên kể từ năm 2003...

Theo thống kê của Bộ Công Thương, hầu hết các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của nước ta đều tăng mạnh về lượng, nhưng kim ngạch lại giảm. Cụ thể, xuất khẩu gạo đã tăng 33% về lượng đạt gần 5 triệu tấn, nhưng do giá bình quân giảm tới 14,5% nên kim ngạch thu về chỉ đạt 2,2 tỷ USD (giảm 8,2%); Cà phê sản lượng xuất khẩu ước đạt 884 ngàn tấn tăng 15,7%, nhưng giá trị lại giảm 18,8%… Theo đánh giá chung, ba tháng cuối năm, xuất khẩu của nhóm hàng này chỉ thu về khoảng 3,05 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch cả năm lên 12,4 tỷ USD, vẫn giảm 5,9% so với năm 2008.

Theo ước tính của Bộ Công Thương, cuối tháng 9/2009, tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm nay có thể đạt 59 tỷ USD, giảm 6% so với năm 2008, gần như chắc chắn không thể đạt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu 75 tỷ USD, tăng 3% so với năm trước.

Cũng theo Bộ Công Thương, tổng kim ngạch nhập khẩu cả năm sẽ khoảng 70 tỷ USD, giảm 13,3% so với năm 2008, theo đó nhập siêu là 11 tỷ USD, tương đương 19% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Về tình hình xuất khẩu 3 tháng cuối năm, nhiều chuyên gia nhận định, có 3 yếu tố thuận lợi chính: nhu cầu nhập khẩu, đặc biệt ở các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản đang có dấu hiệu hồi phục do suy giảm kinh tế đã chạm “đáy”; cung – cầu hàng hóa trong nước được cải thiện rõ rệt, sản xuất công nghiệp 9 tháng qua đã tăng 6,5%, qua đó tăng cùng hàng hóa cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; và 3 tháng cuối năm thường là “thời vụ” cao điểm để tiêu thụ hàng.

Tuy nhiên, khó khăn lớn đối với xuất khẩu là giá cả ít được cải thiện và còn ở mức thấp so với năm 2008. Đây là yếu tố bất lợi cho tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của nước ta.

Những tác động bất lợi

TS. Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học thị trường giá cả cho rằng, từ khi mở cửa đổi mới đến nay, đây là lần duy nhất tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của nước ta tăng trưởng “âm”. TS. Ánh còn tỏ ra nghi ngờ về khả năng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu “âm” khoảng 6% như Bộ Công Thương đã đưa ra.

“Quý I xuất khẩu tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2008 do có 3 tỷ USD xuất khẩu vàng, nhưng sang quý II và III, xuất khẩu đã tăng trưởng “âm”, lần lượt là 10,2% và 14,3% so với cùng kỳ năm 2008. Với đà này, liệu hết năm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu có âm 6% như dự báo của Bộ Công Thương hay không?” - TS. Ánh đặt vấn đề.

Cũng theo TS. Ánh, khi điều chỉnh tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu năm 2009 từ 18% xuống còn 13% thì GDP tăng trưởng 6,5%, rồi tiếp tục hạ xuống tương ứng là 3% và 5%. Vậy, kim ngạch xuất khẩu “âm” 6% thì sẽ tác động gì tới tăng trưởng GDP? Lo lắng hơn, dù xuất khẩu tăng trưởng “âm”, nhưng nhập siêu vẫn duy trì ở mức cao, ảnh hưởng tiêu cực đến cán cân tài khoản vãng lai, đến cán cân thanh toán tổng thể và gây áp lực lên tỷ giá hối đoái. “Chúng ta tăng xuất khẩu, nhưng bên cạnh đó ta cũng tăng nhập khẩu mà nhập khẩu khủng khiếp, đến mức chênh lệch xuất nhập khẩu đóng góp vào còn làm giảm GDP của cả nước…” - TS. Ánh bức xúc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xuất khẩu 2009: Tăng trưởng âm 6%?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO