Xây dựng đô thị thông minh để có tương lai xán lạn

Nguyễn Thành Nam - NXB Trẻ| 22/10/2020 09:23

Sớm hay muộn, hầu hết chúng ta sẽ sống trong những đô thị thông minh. Việc quyết định xem những đô thị đó thông minh vì chúng được trang bị những giải pháp công nghệ tiên tiến nhất, hay thông minh vì chúng đem lại cho chúng ta những thứ ta cần có để sống một cuộc sống hạnh phúc và viên mãn, là ở chúng ta.

Xây dựng đô thị thông minh để có tương lai xán lạn

Việc xây dựng đô thị thông minh và bền vững đó không chỉ là ở trách nhiệm của chính phủ/chính quyền

Đô thị thông minh lấy con người là trung tâm

Khi nói đến đô thị thông minh, người ta rất dễ dàng nghĩ ngay tới đô thị với dữ liệu, công nghệ, robot, trí tuệ nhân tạo,… Điều này đúng nhưng chưa đủ, bởi vì hàm nghĩa của đô thị thông minh rộng lớn hơn nhiều. “Đô thị thông minh là phức hợp giữa các công nghệ, hệ thống, và dịch vụ, được thiết kế và vận hành nhằm giúp con người có được cuộc sống hiệu quả, viên mãn, yên lành và hạnh phúc.” Ngoài ra, “đô thị thông minh là nơi chúng ta muốn sinh sống, làm việc, vui chơi, tạo dựng gia đình, xây dựng sự nghiệp, hay chỉ đơn giản là được dạo chơi vào ngày đẹp trời. Đô thị thông minh khơi dậy tài năng và tính sáng tạo độc đáo. Nó cũng đem đến sự tĩnh lặng và bình yên.” Và để xây dựng đô thị thông minh thì phải lấy con người làm trung tâm, và tiếp cận nó “từ góc nhìn của tâm hồn con người”.

Thành phố của chúng ta, TP.HCM - một đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, là đầu mối giao lưu hội nhập quốc tế, là đầu tàu có sức hút thu hút lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đồng thời có vị trí chính trị quan trọng trong cả nước - hầu như là thành phố đầu tiên trong cả nước xây dựng đề án đô thị thông minh và tính đến nay đã định hình một số kết quả. 

Ngày 28/11/2017 UBND TP.HCM đã ký quyết định thông qua Đề án Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Đề án đã xác định 4 mục tiêu: Đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế, hướng đến kinh tế tri thức, kinh tế số; Quản trị đô thị hiệu quả trên cơ sở dự báo; Nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc; và Tăng cường sự tham gia quản lý của người dân. 

Và để thực hiện 4 mục tiêu đó, thành phố xác định 4 trụ cột: Xây dựng Kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở cho thành phố; Xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh; Xây dựng trung tâm mô phỏng, dự báo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; Xây dựng trung tâm an toàn thông tin.

Và 9 lĩnh vực ưu tiên: Giao thông; Y tế, dịch vụ sức khỏe cộng đồng; An toàn thực phẩm; Môi trường; Chống ngập; Nguồn nhân lực; An ninh trật tự; Chính quyền điện tử; Chỉnh trang và phát triển đô thị

Cho đến nay, TP.HCM đã thu được một số kết quả đáng ghi nhận khi triển khai bước đầu Đề án tại quận 1 và quận 12. Bên cạnh đó, thành phố cũng xây dựng những ứng dụng tiện ích cho người dân như: Ứng dụng thông tin xe buýt, ứng dụng cảnh báo ngập, ứng dụng thông tin giao thông, ứng dụng thông tin quy hoạch,…

Sách cho đô thị thông minh còn rất ít

Là một đơn vị xuất bản địa phương, trực thuộc Thành đoàn TP.HCM, NXB Trẻ luôn đau đáu những vấn đề của Thành phố, làm thế nào để có thể xuất bản nhiều sách hay, tài liệu tham khảo quý để phục vụ người dân thành phố nói riêng, bạn đọc cả nước nói chung; để phục vụ công cuộc xây dựng đô thị thông minh tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung. Sách trên thị trường dành cho mảng đề tài Đô thị thông minh rất ít, và nếu có thì nội dung cũng có giới hạn, không có tính bao quát và thực sự chưa đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu về đô thị thông minh. 

Chính vì lý do đó, chúng tôi muốn xuất bản một cuốn sách nào đó có thể vừa cung cấp hiểu biết về đô thị thông minh, vừa có những bài học kinh nghiệm, vừa có thể ứng dụng được. Và chúng tôi tìm thấy cuốn sách này - Đô thị thông minh, tương lai xán lạn: Bản trình diễn về tương lai - được xuất bản vào giữa năm 2019 tại Mỹ. Đây cũng là một khởi đầu để NXB Trẻ tiếp tục khai thác dòng sách phục vụ việc xây dựng đô thị theo hướng thông minh và bền vững.

Việc xây dựng đô thị thông minh và bền vững đó không chỉ là ở trách nhiệm của chính phủ/chính quyền. Đó phải là nỗ lực của một hệ sinh thái, bao gồm mọi công dân đang sinh sống tại thành phố đó, các nhà khoa học – chuyên gia, và các doanh nghiệp. Do vậy, khi khai thác sách phục vụ đề tài này thì sách phải bảo đảm phục vụ được “hệ sinh thái” đối tượng kể trên. Điều này đặt ra thách thức là đề tài và cách viết phải thật sự hấp dẫn. Bởi đây là dòng sách kén độc giả. Không có nhiều người làm sách muốn đầu tư tiền bạc và công sức vào mảng đề tài này. Do vậy, nếu có sự phối kết hợp của các đơn vị làm xuất bản, các đơn vị phát hành thì hiệu quả có thể cao hơn, tính tác động đến xã hội rộng hơn và mạnh hơn. Hoặc phải có sự tham gia của chính quyền trong việc thể hiện mong muốn cũng như có động thái muốn tổ chức một loạt sách, tài liệu để mọi tầng lớp người dân đều có thể tiếp cận. Vì nếu ai cũng nhận thức được vấn đề, thì việc cùng phối hợp để xây dựng thành phố thành đô thị thông minh sẽ trong tầm tay. 

Hiện nay, hơn một nửa dân số thế giới sống nơi thành thị. Còn ở châu Á thì xấp xỉ một nửa. Tỷ lệ này chắc chắn sẽ còn tăng cao khi các nền kinh tế châu Á vụt tăng. Việt Nam cũng nằm trong xu hướng đó. Việc giải quyết bài toán đô thị hoá gia tăng trở nên cấp bách hơn. Và việc chuẩn bị và xắn tay vào xây dựng đô thị thông minh không còn là quá sớm. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xây dựng đô thị thông minh để có tương lai xán lạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO