Visa vaccine: Giá phải trả cho lợi ích lâu dài

Nguyễn Huyền| 25/03/2021 02:59

Chính phủ đang bàn giải pháp kỹ thuật để có chính sách cấp visa vaccine. Theo kinh tế gia Nguyễn Trí Hiếu, điều quan trọng nhất là việc các nước trên thế giới có chấp nhận visa vaccine của Việt Nam hay không...

Nguyễn Trí Hiếu

Ông Nguyễn Trí Hiếu

* Theo ông, nếu Việt Nam chấp nhận visa vaccine của các nước thì có đáng lo ngại, bởi những đợt bùng phát dịch Covid-19 đều có yếu tố nước ngoài?

- Đó là một rủi ro. Những người đã được tiêm vaccine ngừa SARS-CoV-2 không đồng nghĩa với việc loại trừ 100% khả năng gây lây nhiễm, do vaccine phải phù hợp với hệ miễn dịch và chống chọi được với sự tấn công của virus. Tuy nhiên, khả năng này là thấp vì những người đã tiêm vaccine có khả năng khiến cho đường đi của SARS-CoV-2 chậm hơn trong cơ thể của họ. 

Với tình hình hiện nay, cấp visa vaccine là biện pháp hợp lý, mang tính hai chiều, khi nhiều người nước ngoài đã được tiêm chủng vào Việt Nam ít có khả năng gây lây nhiễm, ngược lại, người ở trong nước đi ra nước ngoài cũng đã được tiêm chủng. 

Khi cho người nước ngoài có visa vaccine nhập cảnh thì kinh tế Việt Nam sẽ được lợi nhiều mặt. Thứ nhất, việc các nhà đầu tư vào Việt Nam là rất quan trọng, bởi từ trước đến nay, nước ta vẫn dựa nhiều vào khu vực FDI. Thứ hai, ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch sẽ được phục hồi do du khách các nước trở lại Việt Nam. Thứ ba, có visa vaccine sẽ tốt cho ngành vận tải hàng không. 

* Vẫn có những quan ngại việc cấp visa vaccine có thể làm tăng diện trú, tránh Covid-19 do Việt Nam được xem là quốc gia phòng chống dịch bệnh tốt. Theo ông, khả năng ấy có thể xảy ra?

- Khả năng này là có, nhưng mức thấp. Phần lớn những người muốn tránh dịch bệnh là người Việt Nam ở nước ngoài, với công dân các nước, Việt Nam có thể chưa phải là điểm đến để tránh dịch. 

* Việt Nam sẽ cấp visa vaccine cũng đồng nghĩa với việc Chính phủ phải chuẩn bị nguồn kinh phí lớn?

- Đó là điều chắc chắn. Chính phủ phải dành ngân sách cho tiêm chủng cũng như phòng ngừa Covid-19. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn thu ngân sách giảm mạnh vào năm ngoái và tiếp tục ảnh hưởng trong năm nay, việc chuẩn bị một lượng tiền lớn cho tiêm chủng và visa vaccine cũng sẽ là cái giá phải trả để có lợi ích lâu dài, nhất là được miễn dịch cộng đồng. Điều đó vô cùng cần thiết và quan trọng để phát triển kinh tế. Chính vì vậy, việc tiêm chủng và cấp visa vaccine sẽ hỗ trợ lâu dài cho nền kinh tế Việt Nam.

Tôi nghĩ rằng, Chính phủ nên cho tiêm chủng vaccine miễn phí. Điều ấy sẽ kích thích nhiều người đi tiêm chủng, còn nếu tính phí, sẽ có ít hơn người tham gia. Hiện nay, cái Việt Nam cần là miễn dịch cộng đồng, với ít nhất 70-80% công dân được tiêm chủng để chặn được virus SARS-CoV-2. Cạnh đó, phí cấp visa vaccine nên ở mức thấp để khuyến khích nhiều người tham gia. Theo tôi, mức trên 1 triệu đồng (50 USD/visa vaccine) là hợp lý. Với người nước ngoài, tất nhiên phải có chi phí, nếu họ muốn đến Việt Nam tiêm chủng. 

* Đến nay, gần như chỉ có các quốc gia phát triển chủ trương cấp visa vaccine. Trong khi đó, Việt Nam là một nước đang phát triển, việc triển khai visa vaccine có quá sức chịu đựng của nền kinh tế?

- Không quá sức, nhưng vấn đề là thế giới có chấp nhận visa vaccine của Việt Nam hay không. Bởi vì, giá trị visa vaccine  phụ thuộc vào sự phát triển của nền y tế. Điều này là không dễ dàng, bởi nền y tế của Việt Nam chưa được xem là tiên tiến. Hiệu quả của visa vaccine còn phụ thuộc vào những vấn đề mang tính quan hệ quốc tế. 

* Theo ông, Việt Nam cần lưu ý gì khi triển khai visa vaccine?

- Xem visa vaccine như một giải pháp thúc đẩy kinh tế tăng trưởng trở lại, vấn đề đầu tiên là Việt Nam cần có những loại vaccine phù hợp, được thế giới chấp nhận. Việc cấp visa vaccine có thể sẽ không nhiều ý nghĩa với những loại vaccine chưa được thế giới công nhận. Do đó, Việt Nam nên tránh sử dụng các loại vaccine đang gây tranh cãi. 

Trước khi cấp visa vaccine, cần thúc đẩy chương trình tiêm chủng mở rộng cho người dân. Tuy nhiên, với những người cần ra nước ngoài để đầu tư hoặc du lịch, Chính phủ có thể thu phí tiêm chủng và phí cấp visa vaccine.

Thêm nữa, thử nghiệm trước khi triển khai chính thức visa vaccine là cần thiết. Việt Nam nên thử nghiệm chương trình visa vaccine trong khuôn khổ nhất định, để xem nước ngoài có chấp nhận hay không rồi mới lượng tính kinh phí.

* Cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Visa vaccine: Giá phải trả cho lợi ích lâu dài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO