PGS-TS. Phạm Thế Anh |
* Quốc hội vừa đưa ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6% trong năm 2021, ông bình luận thế nào về con số này?
- Chỉ tiêu này là thận trọng so với những năm trước. Tuy nhiên, đạt được mức tăng trưởng này hay không còn phụ thuộc vào bối cảnh kinh tế thế giới. Nếu chưa kiểm soát được dịch Covid-19, thì du lịch, cả trong và ngoài nước, rất khó phục hồi. Việc các nước tiếp tục đóng cửa càng gây khó khăn cho những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Hơn nữa, nhìn vào triển vọng vắc xin ngừa SARS-CoV-2 trên thế giới hiện nay, có thể phải tới nửa cuối năm sau mới có thể được tiêm phòng trên diện rộng. Đến nay, Covid-19 vẫn lan rộng ở nhiều nước. Do đó, các hoạt động kinh tế, dịch vụ, du lịch, dù đã có một vài dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn ở mức rất thấp. Trong bối cảnh đó, GDP của Việt Nam khó tăng mạnh.
* Có thể xem sự phục hồi sản xuất công nghiệp là một hy vọng cho tăng trưởng kinh tế không, thưa ông?
- Vẫn cần thêm những chỉ số khác để có thể hình dung bức tranh kinh tế 2021. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 11 tháng năm 2020 tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,7%, cho thấy doanh nghiệp FDI vẫn có mức tăng trưởng tương đối khá, nhất là điện thoại và linh kiện điện tử, hay một vài mặt hàng xuất khẩu khác.
* Theo ông thì nguồn lực cho tăng trưởng có thể được cân đối theo hướng nào?
- Tăng trưởng 6% sẽ phụ thuộc chủ yếu vào thị trường thế giới và trong nước mở cửa lại hai ngành du lịch và khách sạn. Nếu kinh tế thế giới không sớm phục hồi, thị trường không sớm mở cửa bình thường trở lại, thì không kéo được kinh tế Việt Nam đi lên, bởi vì xuất khẩu hàng tiêu dùng của Việt Nam sẽ tiếp tục chịu tác động, một số mặt hàng tăng trưởng ở mức rất thấp, một số khác đang giảm. Hiện nay, triển vọng tăng trưởng là chưa chắc chắn.
* Vậy thì thúc đẩy đầu tư công có góp phần quan trọng cho tăng trưởng GDP?
- Cái đấy thì khó, vì ngân sách nước ta không có nhiều, thâm hụt ngân sách năm nay còn cao hơn năm ngoái. Quý IV này được dự báo sẽ giải ngân vốn tốt hơn, nên vốn cho đầu tư công năm 2021 sẽ thấp hơn, dự kiến 477.300 tỷ đồng. Do đó, nếu kỳ vọng đầu tư lớn để thay đổi diện mạo kinh tế năm tới là rất khó.
* Các yếu tố bên ngoài sẽ tác động thế nào đến tăng trưởng của Việt Nam trong năm tới?
- Nhìn vào xu hướng kinh tế thế giới, khả năng thu hút FDI của Việt Nam vẫn sẽ khá, nhờ lao động giá rẻ và các FTA cho phép tận dụng ưu đãi về thuế quan. Vốn FDI từ Trung Quốc cũng sẽ vào Việt Nam nhiều hơn, một mặt để phân tán rủi ro, nhưng mặt khác là để đưa ra ngoài biên giới những công nghệ cũ, lạc hậu do kinh tế nước này đã phát triển lên bậc thang cao hơn. Xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng do nền kinh tế Việt Nam ngày càng mở. Nhưng nền kinh tế Việt Nam cũng chịu thêm những rủi ro. FDI vào nhiều hơn đã làm cho giá đất tăng kể từ quý II, cả đất công nghiệp và đất ở. Hiện giá tài sản tăng rất mạnh, bao gồm cả chứng khoán, nhưng giá các mặt hàng tiêu dùng không tăng do nhu cầu thấp. Những yếu tố này có thể khiến Việt Nam dễ rơi vào bong bóng tài sản, trong bối cảnh nước ta mở rộng tiền tệ, tài khóa.
Một điểm nữa, rủi ro cũng có thể đến từ xung đột thương mại quốc tế. Hiện thương mại Việt Nam với Mỹ rất mở, trong khi thương mại Việt Nam vào Mỹ tương đối lớn, đồng thời hàng hóa chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam có những mập mờ về nguồn gốc, xuất xứ. Do đó, trở thành mối quan tâm của phía Mỹ. Hội nhập càng sâu thì nhiều loại thuế quan gần như bãi bỏ, nên nguồn thu từ thuế xuất nhập khẩu giảm xuống mức thấp, trong khi Việt Nam tiếp tục ưu đãi thu hút FDI. Hiện yêu cầu đầu tư của nền kinh tế rất lớn nhưng nguồn thu lại ngày càng sụt giảm, đặc biệt nếu Covid-19 kéo dài.
* Cảm ơn ông!