Việt Nam nhập gần 70% khí dầu mỏ hóa lỏng

HT| 24/11/2020 06:00

Thị trường khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) tại Việt Nam liên tục đạt mức tăng trưởng cao trong giai đoạn gần đây. Nguồn cung nhập khẩu LPG chủ yếu từ các nước Trung Quốc, Qatar, Kuwait, Thái Lan và Ả Rập Saudi.

Việt Nam nhập gần 70% khí dầu mỏ hóa lỏng

Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), thị trường LPG tại Việt Nam liên tục đạt mức tăng trưởng cao trong giai đoạn gần đây (khoảng 10%) so với mức tăng trưởng trung bình của thế giới và khu vực (khoảng 4%). Nguồn cung LPG trong nước được cấp từ các nhà máy xử lý khí và nhà máy lọc dầu (Nhà máy xử lý khí Dinh Cố và Cà Mau; Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nhà máy Condesate Đông Phương). Nguồn cung nhập khẩu LPG của Việt Nam chủ yếu từ các nước: Trung Quốc (chiếm 56%), Qatar (14%), Kuwait (14%), Thái Lan (9%) và Ả Rập Saudi (7%).

Trong năm 2019, tổng sản lượng tiêu thụ LPG của Việt Nam đạt 2.303.980 tấn. Trong đó, nguồn cung trong nước là 885.883 tấn (chiếm 38,5%), nhập khẩu đạt 1.418.097 tấn (chiếm 61,5%). Trong 9 tháng đầu năm 2020, sản lượng LPG tiêu thụ của Việt Nam đạt 1.717.881 tấn (tăng 3%) so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nguồn cung nội địa đạt 549.948 tấn (chiếm 32%), nhập khẩu đạt 1.162.933 tấn (chiếm 68%). Tuy nhiên, dự kiến 3 tháng cuối năm, lượng LPG tiêu thụ sẽ tăng nhanh, đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 9% so với năm 2019.

Vụ Thị trường trong nước cho biết, thị trường bán lẻ LPG/LPG chai của Việt Nam vẫn giữ thị phần lớn và đang được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Các nhà đầu tư tham gia thị trường thông qua hình thức đầu tư gián tiếp, góp vốn tại các công ty phân phối, bán lẻ LPG.

Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh LPG trong thời gian qua vẫn còn tồn tại những hạn chế như chi phí kinh doanh, chi phí bán hàng còn cao so với giá thành sản phẩm. Giá và cơ chế giá LPG trong nước phụ thuộc hoàn toàn sự biến động giá thế giới, thiếu tính linh hoạt và ổn định…

Ngoài ra, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh như chiếm dụng chai LPG, chiết nạp lậu… vẫn còn diễn ra phức tạp và chưa có giải pháp căn cơ để xử lý triệt để. Hệ thống phân phối LPG, đặc biệt là LPG chai chưa được các doanh nghiệp xem trọng, xây dựng bài bản, thiếu sự gắn kết, nhỏ lẻ, hiệu quả chưa cao…

Tình trạng một số doanh nghiệp kinh doanh LPG chiếm dụng trái phép chai LPG của các doanh nghiệp có uy tín, trong đó có nhiều chai LPG chiếm dụng bị cắt tay xách, mài vỏ, không được kiểm định và đưa ra thị trường có chiều hướng phức tạp và tinh vi hơn.

Có thể nhận biết những hành vi cạnh tranh không lành mạnh đó là gây nhầm lẫn cho khách hàng bằng cách nhái các nhãn mác ăn theo các thương hiệu nổi tiếng; gây rối hoạt động kinh doanh đối thủ cạnh tranh, tung tin đồn thất thiệt để loại trừ đối thủ; xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh...

Dán nhãn hiệu chồng lên nhãn hiệu, sử dụng biểu trưng (logo) của thương hiệu uy tín tùy tiện (không được phép) nhằm gây nhầm lẫn để lôi kéo khách hàng bất chính, thu mua vỏ bình của hãng khác rồi thay tên đổi họ, gây nhầm lẫn cho khách hàng khi nhận diện sản phẩm… là những chiêu trò không mới nhưng diễn ra liên tục khiến những doanh nghiệp làm ăn chân chính trong lĩnh vực này điêu đứng.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo các doanh nghiệp cần nghiêm túc chấp hành quy định của Luật Cạnh tranh và Luật Bảo vệ người tiêu dùng. Đối với các doanh nghiệp lớn đứng đầu là chủ sở hữu, thương hiệu của các bình gas chưa có các biện pháp toàn diện để tiến hành thu hồi các vỏ bình của mình, dẫn đến tình trạng vỏ bình bị mất sang các doanh nghiệp kinh doanh gas trái phép.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Việt Nam nhập gần 70% khí dầu mỏ hóa lỏng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO