Việt Nam - Mỹ thúc đẩy hợp tác về nông lâm thủy sản

26/04/2016 06:38

Đến nay, mới có 4 loại trái cây (thanh long, chôm chôm, nhãn và vải) của Việt Nam được cấp phép nhập khẩu vào Mỹ nhưng chi phí đáp ứng các điều kiện quá cao nên hiệu quả kinh tế còn thấp.

Việt Nam - Mỹ thúc đẩy hợp tác về nông lâm thủy sản

Ngày 25/4, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ​ Thomas J. Vilsack về việc tăng cường hợp tác và thúc đẩy thương mại trong lĩnh vực nông lâm thủy sản giữa hai quốc gia.

Cuộc tọa đàm này nằm trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam từ ngày 25-27/4 của ngài Thomas J. Vilsack, Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, việc xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Mỹ còn gặp nhiều trở ngại và đối xử không công bằng. Cụ thể, quy trình cấp phép cho trái cây Việt Nam vào thị trường Mỹ rất phức tạp, tốn kém và kéo dài.

Đến nay, mới có 4 loại trái cây (thanh long, chôm chôm, nhãn và vải) của Việt Nam được cấp phép nhập khẩu vào Mỹ nhưng chi phí đáp ứng các điều kiện quá cao nên hiệu quả kinh tế còn thấp. Riêng chi phí trả cho chuyên gia Mỹ sang kiểm tra chiếu xạ khoảng 500.000 USD/năm.

Ngoài ra, Việt Nam đã chính thức gửi dự thảo báo cáo phân tích nguy cơ dịch hại vú sữa và xoài tới Cơ quan kiểm dịch động thực vật Mỹ nhưng đến nay chưa có đồng ý chính thức cho Việt Nam.

Do vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị Cơ quan kiểm dịch động thực vật Mỹ chuyển giao việc giám sát hoạt động chiếu xạ cho cơ quan kiểm dịch thực vật Việt Nam. Bởi, Việt Nam đã phối hợp với Mỹ thực hiện tốt hoạt động này từ năm 2008.

Trở ngại nữa là Cơ quan Bảo vệ môi trường (EPA) và Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) của Liên bang áp đặt mức dư lượng tối đa cho phép (MRL) = 0 đối với một số loại thuốc chưa đăng ký thiết lập mức MRL tại Mỹ (mặc dù được phép sử dụng ở nhiều nước khác). Điều này gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Mặt khác, nông sản của Việt Nam còn phải tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm của riêng từng tiểu bang.

Về thủy sản, các mặt hàng tôm và cá tra của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ nhưng năm qua không được đối xử công bằng và liên tục trải qua các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến quan hệ thương mại giữa hai nước cũng như việc làm và thu nhập của hàng triệu nông dân và các doanh nghiệp Việt Nam.

Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã ban hành Bộ quy định cuối cùng thanh tra cá da trơn họ Siluriformes (bao gồm cá tra, basa của Việt Nam) có hiệu lực từ ngày 1/3 vừa qua, với 18 tháng chuyển đổi (đến 31/8/2017) để các nước xuất khẩu điều chỉnh lại hệ thống sản xuất phù hợp với quy định mới của Mỹ.

Do điều kiện sản xuất và trình độ phát triển có sự khác biệt giữa Việt Nam và Mỹ, cùng với việc thực hiện Bộ quy định này với thời gian chuyển đổi 18 tháng là rất khó đối với Việt Nam, có thể gây gián đoạn hoạt động thương mại, ảnh hưởng tới hàng triệu nông dân nuôi cá và doanh nghiệp xuất khẩu, do đó Việt Nam kiến nghị kéo dài thời gian chuyển đổi.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ về nông nghiệp thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu, hỗ trợ Việt Nam trong công tác đào tạo, tăng cường năng lực trong lĩnh vực công nghệ sinh học, nông nghiệp công nghệ cao, vệ sinh an toàn thực phẩm trong phòng thí nghiệm, quy trình kiểm dịch động thực vật…

Đồng thời, Bộ cũng đề nghị Mỹ hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết trong Chương trình Môi trường của Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) như trong công tác điều tra đánh giá nguồn lợi thủy sản.

Mỹ hiện là thị trường thương mại nông sản quan trọng lớn thứ hai của Việt Nam (sau Trung Quốc) với kim ngạch xuất khẩu đạt 5,69 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu 1,4 tỷ USD (năm 2015).

Trong quý 1 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản sang Mỹ đạt trên 1,3 tỷ USD, đứng đầu là gỗ và các sản phẩm gỗ, tiếp đến là thủy sản, hạt điều, cà phê, hạt tiêu… Việt Nam cũng nhập khẩu gần 298 triệu USD các mặt hàng từ Mỹ.

Kim ngạch thương mại nông sản giữa hai nước ngày càng tăng nhanh. Trong 3 năm gần đây, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam sang Mỹ đều tăng với tốc độ khoảng 20%/năm; trong đó gỗ và các sản phẩm gỗ, thủy sản là những mặt hàng chủ lực.

Việt Nam đang nhập khẩu từ Mỹ các mặt hàng hoa quả ôn đới, các sản phẩm thực phẩm và nguyên liệu cho chế biến thức ăn chăn nuôi, chế biến thực phẩm như đậu tương, khoai tây, ngô, lúa mỳ. Tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu khoảng 10%/năm, chủ yếu thức ăn chăn nuôi, đậu tương, gỗ và các sản phẩm từ gỗ…

Đối với sản phẩm nội tạng trắng, Mỹ hiện là quốc gia duy nhất được xuất khẩu vào Việt Nam. Tuy nhiên kể từ tháng 11/2014, Việt Nam tạm dừng nhập khẩu và không cấp mới từ đó để hai bên thống nhất kết quả thanh tra và các biện pháp khắc phục.

>45 doanh nghiệp cá tra Việt đủ điều kiện xuất khẩu sang Mỹ

>Việt Nam lọt top 15 quốc gia xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ

>Năm 2016, xuất khẩu tôm sang Mỹ sẽ có nhiều khởi sắc

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Việt Nam - Mỹ thúc đẩy hợp tác về nông lâm thủy sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO