Việt Nam hưởng lợi khi gia nhập AEC

DUY KHUÊ thực hiện| 18/11/2014 05:14

Trong 4 nước thành viên mới của AEC gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar thì Việt Nam đang được xem là quốc gia được hưởng nhiều lợi ích.

Việt Nam hưởng lợi khi gia nhập AEC

Chia sẻ bên lề hội nghị "Phát triển bền vững Đông Nam Á - lần 4" diễn ra ngày 14/11 tại Thái Lan, Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh, cho rằng, trong 4 nước thành viên mới của Cộng đồng kinh tế ASEAN (ASEAN Economic Community - AEC) gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar thì Việt Nam đang được xem là quốc gia được hưởng nhiều lợi ích.

Đọc E-paper

* Theo lộ trình, AEC sẽ chính thức được thành lập vào năm 2015, về cơ bản sẽ có những điểm gì cần chú ý, thưa ông?

- Tháng 12/2015, sẽ có AEC, về cơ bản tất cả các dòng thuế sẽ phải về mức 0%. Các nước thành viên mới gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar, 98% các dòng thuế phải giảm trung bình từ 0% - 5%, trừ một số các dòng đặc biệt thì được tồn tại đến năm 2018.

Theo lộ trình đến năm 2015, hàng hóa sẽ được lưu thông tự do, các dòng vốn đầu tư, các lĩnh vực dịch vụ cũng sẽ được tự do hóa mạnh. Việc di chuyển lao động trong các nước ASEAN cũng sẽ được tăng cường hơn.

Hiện nay, có 9 lĩnh vực dịch vụ đã được tự do hóa và 7 loại lao động được phép di chuyển tự do trong ASEAN. ASEAN và Hồng Kông cũng đã bắt đầu thương lượng một hiệp định về thương mại tự do. ASEAN cũng sẽ nâng cấp các hiệp định thương mại tự do với các đối tác đã sẵn có, ví dụ như hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc, Úc, Ấn Độ...

Theo đó, các lãnh đạo của ASEAN đề ra mục tiêu rất lớn là đến năm 2015, đạt thương mại hai chiều là 500 tỷ USD, đến năm 2020 là 1.000 tỷ USD. Hay với Nhật Bản đến năm 2015 đạt 150 tỷ USD về đầu tư và đến năm 2020 là 200 tỷ USD...

* Ông đánh giá năng lực phát triển của các thành viên trong AEC hiện nay như thế nào?

- Quá trình thực hiện các biện pháp về hội nhập và xây dựng cộng đồng thì sức đề kháng của nền kinh tế các nước thành viên ASEAN được tăng cường nhiều hơn. Mặc dù có những tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nhưng trong 5 năm qua, kinh tế ASEAN liên tục đạt mức tăng trưởng khả quan, trên 5%.

Năm nay, có thể do tình hình nội bộ một số nước như Thái Lan (tác động của tình hình chính trị), Philippines (bão Hải Yến năm 2013) nên mức tăng trưởng dự kiến chỉ đạt 4,6%. Tuy nhiên, khả năng sang năm 2015, kinh tế ASEAN sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 5,4% - 5,5%.

* Vẫn còn nhiều ý kiến lo ngại sự tác động của việc hình thành AEC sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp Việt Nam. Ông đánh giá về điều này như thế nào?

- Hiện nay, do sự thiếu hiểu biết nên đã có những lo ngại không thực tế và không cần thiết. Ví dụ, có nhiều người cho rằng sau năm 2015, AEC sẽ đi theo mô hình EU của châu Âu nhưng thực tế không phải.

Bởi vì, sau năm 2015, AEC vẫn là một tổ chức liên chính phủ, không phải một tổ chức siêu quốc gia như EU, do đó tất cả những cơ chế tác động đều được thể chế hóa. AEC vẫn còn là một phương thức hội nhập không chính thức, tiệm tiến và trên cơ sở nhất trí.

Những biện pháp đã triển khai cho thấy giá trị thương mại nội khối đã tăng lên rất lớn so với năm 1990. Cụ thể, giá trị thương mại nội khối giữa các nước thành viên ASEAN đã tăng lên 25%. Riêng 4 nước thành viên gồm Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar năm 1990 có tổng GDP chỉ khoảng 3%.

Đến năm 2013, tổng GDP của 4 nươc này đã là 12%. Đó là những cơ sở vững chắc để tin rằng, AEC sẽ tạo điều kiện cho việc tăng cường hợp tác, kinh tế, thương mại, đầu tư giữa các nước ASEAN và các đối tác.

* Còn cơ hội riêng của Việt Nam trong xu hướng hội nhập thời gian tới là gì, thưa ông?

- Ngoài những đóng góp rất lớn trong giá trị thương mại nội khối của khối doanh nghiệp Việt Nam, trong những chương trình kết nối ASEAN, đặc biệt là kết nối hạ tầng, cũng có rất nhiều dự án kết nối Việt Nam được hưởng lợi.

Ví dụ, dự án hệ thống đường cao tốc hay hệ thống đường sắt xuyên Á từ Singgapore - Côn Minh. Hay các sáng kiến về phát triển Mê Kông... đều có sự hỗ trợ trong khuôn khổ của ASEAN. Rõ ràng, Việt Nam được hưởng lợi trong quá trình xây dựng cộng đồng hội nhập này.

* Cảm ơn ông!

>AEC và mục tiêu ”Tầm nhìn tốt hơn cho cuộc sống”
>AEC là chìa khóa để Việt Nam giảm gánh nặng nhập siêu

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Việt Nam hưởng lợi khi gia nhập AEC
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO