Vị thủ tướng luôn gần gũi doanh nghiệp

NGUYÊN BẢO| 21/03/2018 00:35

Từ trước Tết Mậu Tuất 2018, tình trạng sức khỏe của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải được nhiều người dân và doanh nhân đặc biệt quan tâm. Thông tin ông từ trần ngày 17/3 vừa rồi khiến bao người tiếc nuối.

Vị thủ tướng luôn gần gũi doanh nghiệp

Bà Nguyễn Thị Sơn - Phó tổng thư ký Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý - Kinh doanh quốc tế, người từng có thời gian tiếp xúc và tháp tùng đoàn của ông Phan Văn Khải trong các chuyến công du nước ngoài bày tỏ, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là vị thủ tướng có nhiều quyết sách thành công trong thời kỳ đầu Việt Nam hội nhập kinh tế thế giới - một thời kỳ phát triển bền vững về kinh tế, xã hội. Ông cũng dẫn dắt nền kinh tế nước nhà vượt qua khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997.

Nhiều chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu đánh giá cao các thành tựu kinh tế của Việt Nam trong thời kỳ ông Phan Văn Khải làm thủ tướng (1997 - 2006). Về mặt đối ngoại, ông là thủ tướng đầu tiên thực hiện chuyến thăm Mỹ vào năm 2005, mở ra cột mốc mới trong quan hệ Việt - Mỹ, nhất là ở lĩnh vực kinh tế. Trong hai nhiệm kỳ gần một thập kỷ, Thủ tướng Phan Văn Khải đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng, như việc ông thúc đẩy việc ký kết Hiệp định Thương mại song phương Việt - Mỹ (BTA), tạo nền tảng để sau đó Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Thời kỳ ông Phan Văn Khải làm thủ tướng, tỷ lệ nợ nước ngoài của Việt Nam phần lớn dưới 50% GDP, số dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng gần gấp ba lần trong 9 năm, từ 349 lên 987.

Nói về đối ngoại kinh tế dưới thời ông Phan Văn Khải, TS. Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài bồi hồi: "Bác Sáu Khải đã đóng góp lớn về thu hút đầu tư nước ngoài trong suốt giai đoạn ông tại vị. Ông làm việc không mệt mỏi. Trong các chuyến công du nước ngoài, ông tận dụng tối đa thời gian để gặp gỡ, tiếp xúc cộng đồng doanh nghiệp, lắng nghe nhu cầu của họ và ông cũng là người khởi xướng sự kiện diễn đàn doanh nghiệp trong các chuyến công du nước ngoài của các vị lãnh đạo cấp cao".

Ông Phan Văn Khải được đánh giá là vị thủ tướng có những cải cách mạnh mẽ, tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Trong bức thư gửi Ban biên tập Báo Doanh Nhân Sài Gòn chúc mừng ra số báo đầu tiên (ngày 12/9/2001), Thủ tướng Phan Văn Khải đánh giá cao những đóng góp của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp.

Thủ tướng Phan Văn Khải viết: "Mong rằng Doanh Nhân Sài Gòn làm tốt nhiệm vụ là diễn đàn của giới doanh nhân - những "chiến sĩ của thời bình" đang giữ trọng trách cùng dân tộc đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo, đồng thời là cầu nối giữa doanh nhân với Chính phủ, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của doanh nhân, góp phần hình thành cơ chế, chính sách quản lý kinh tế phù hợp với thực tiễn nước ta và xu hướng phát triển của thời đại".

Ông cũng là người đã ký Quyết định số 990/QĐ-TTg ngày 19/9/2004 lấy ngày 13/10 hằng năm làm Ngày Doanh nhân Việt Nam để ghi nhận vai trò, đóng góp của đội ngũ doanh nhân trong tiến trình phát triển, hội nhập của đất nước. 

Dấu ấn sâu sắc của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải phải kể đến Luật Doanh nghiệp năm 1999 do ông trình, được Quốc hội thông qua. Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, những gì mà Luật Doanh nghiệp 1999 đem lại cho nền kinh tế nước nhà là rất đáng ghi nhận.

Cải cách lớn nhất của luật này là người dân được quyền tự do kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm, trái ngược với nguyên tắc trước đó là người dân chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Cải cách quan trọng này đã giải phóng doanh nghiệp khỏi nhiều vướng mắc khi gia nhập thị trường, được tự do thành lập doanh nghiệp với thủ tục đơn giản, ít tốn kém, tự do lựa chọn địa bàn kinh doanh.

Báo cáo của Tổ Công tác thi hành Luật Doanh nghiệp cho thấy, trong hai năm 2000 - 2001, đã có 35.457 doanh nghiệp đăng ký thành lập, gần bằng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập trong 9 năm trước đó (1991 - 1999), 55.000 tỷ đồng vốn bổ sung vào kinh doanh, tương đương số vốn đăng ký đầu tư của doanh nghiệp FDI cùng kỳ, khoảng 4 tỷ USD. Thêm nữa, trong giai đoạn 2000 - 2003, Thủ tướng Phan Văn Khải đã quyết định loại bỏ 170 giấy phép kinh doanh hoặc chuyển thành điều kiện kinh doanh không cần giấy phép trong trong tổng số 400 giấy phép tồn tại lúc đó mà không chờ sự chấp thuận của các bộ, ngành.

Theo đánh giá của giới học giả, ông Phan Văn Khải là vị thủ tướng kỹ trị, theo quan điểm kinh tế thị trường. Minh chứng điển hình là việc thúc đẩy sự ra đời của Luật Doanh nghiệp 1999, đánh dấu bước cải cách thể chế mạnh mẽ theo cơ chế thị trường và việc thường xuyên tiếp xúc với cộng đồng doanh nghiệp (kể từ khi ông còn là Chủ tịch UBND TP.HCM), cũng như thư gửi Báo Doanh Nhân Sài Gòn cho thấy, ông đề cao sự trao đổi hai chiều giữa cơ quan quản lý nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp. Ở thời kỳ ông tại vị, doanh nghiệp được tham vấn trong quá trình xây dựng nhiều bộ luật, các cơ chế, chính sách phục vụ phát triển đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vị thủ tướng luôn gần gũi doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO