Vào TPP, lao động ngành nông nghiệp sẽ về đâu?

TS. NGUYỄN TÚ ANH| 07/02/2016 06:33

Tại Việt Nam, khoảng 42 triệu lao động đang làm việc trong khu vực phi chính thức cả ở nông nghiệp và thành thị đang đối mặt với nguy cơ thất nghiệp.

Vào TPP, lao động ngành nông nghiệp sẽ về đâu?

Nếu quá chú trọng vào phát triển những ngành công nghệ cao (và thường là thâm dụng vốn) thì sẽ đẩy nền kinh tế nước ta vào tình trạng lưỡng phân: một khu vực cạnh tranh được, có năng suất lao động cao, thu nhập tăng và một khu vực bị đẩy vào những thị trường phi chính thức không có năng lực cạnh tranh, thu nhập ngày càng giảm. 

Đọc E-paper

Sức ép hội nhập

Năm 1954, nhà kinh tế học Athur Lewis đưa ra mô hình phát triển kinh tế mà sau này ông được trao giải thưởng Nobel: Mô hình phát triển kinh tế với nguồn cung lao động không hạn chế. Ý tưởng chính của mô hình này là nền kinh tế có hai khu vực: nông nghiệp và phi nông nghiệp (công nghiệp và dịch vụ).

Mô hình của Lewis phù hợp với quá trình công nghiệp hoá ở Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên bối cảnh toàn cầu hoá đang đặt ra những thách thức rất lớn cho nước ta.

Hiện, nước ta có khoảng 46% lực lượng lao động đang lao động trong khu vực nông nghiệp, trong đó chỉ khoảng 250.000 lao động làm việc trong các doanh nghiệp (DN) đăng ký theo Luật Doanh nghiệp hoặc các hợp tác xã. Còn lại khoảng 23 triệu lao động trong khu vực phi chính thức, đó là kinh tế hộ gia đình hoặc các công việc không ổn định khác.

Tính trên toàn bộ nền kinh tế, nước ta có khoảng 42 triệu lao động đang làm việc trong khu vực phí chính thức.

Tham gia vào TPP, DN Việt Nam nếu cạnh tranh được sẽ lớn lên và một số khác có thể bị thay thế bởi những DN đầu tư khác ở bên ngoài. Cạnh tranh trong TPP sẽ có hai hiệu ứng bất lợi cho người lao động nói chung và người nông dân nói riêng.

Thứ nhất, hàng nhập khẩu có tính cạnh tranh cao hơn hàng sản xuất trong nước sẽ làm cho nông dân mất việc làm. Ví dụ, hàng hóa nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi từ Mỹ, New Zealand được cho là sẽ tạo sức ép cạnh tranh rất cao đối với ngành chăn nuôi Việt Nam.

Thêm vào đó, hiện nay các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam nói chung là có tiêu chuẩn thấp hơn của các nước thành viên TPP, do đó nếu dựng hàng rào kỹ thuật để bảo hộ thị trường trong nước thì sẽ vi phạm điều khoản chống phân biệt đối xử. Ý tưởng lập hàng rào kỹ thuật bảo hộ sản xuất trong nước được nhiều người nói đến nhưng không thể thực hiện trong bối cảnh ngày nay.

Thứ hai, sự thay đổi về phương thức sản xuất ở trong nước khi đã thích ứng với môi trường cạnh tranh từ bên ngoài buộc phải chuyển sang sản xuất lớn, quy mô công nghiệp. Nhưng sản xuất lớn với quy mô công nghiệp sẽ làm cho nhu cầu lao động tổng thể giảm xuống.

Ví dụ với sản xuất nhỏ lẻ như hiện nay thì có thể hàng nghìn người, thậm chí hàng triệu người có thể tham gia thị trường chăn nuôi, nhưng nếu như chỉ còn trang trại thì chỉ cần đến khoảng vài trăm nghìn người là có thể sản xuất với quy mô lớn. Như vậy, lao động về nông nghiệp sẽ dư thừa lớn.

Tương tự, hiện nay thị trường phân phối cũng đã hoàn toàn mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài, những siêu thị lớn, những chuỗi phân phối hiện đại dần thay thế cửa hàng của các hộ gia đình mặt phố, những chợ truyền thống. Hàng triệu lao động đang làm việc trong khu vực phi chính thức này cũng sẽ đối mặt với những khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm.

Như vậy, trong bối cảnh hội nhập sâu như hiện nay, mô hình Lewis có nguy cơ bị sai lệch. Hội nhập làm cho số việc làm trong nông nghiệp ngày càng giảm, do đó mức độ dư thừa lao động trong khu vực này ngày càng tăng.

Đồng thời hội nhập cũng làm cho việc làm ở khu vực phi chính thức của thành thị giảm mạnh càng làm cho lao động dư thừa càng lớn, gây sức ép rất lớn lên khu vực chính thức trong việc hấp thụ hết những lao động dư thừa này.

Đối với Việt Nam, khoảng 42 triệu lao động đang làm việc trong khu vực phi chính thức cả ở nông nghiệp và thành thị đang đối mặt với nguy cơ thất nghiệp.

Số liệu 9 tháng năm 2015 nay cho thấy, lao động trong nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm tới 1,5 triệu việc làm và việc làm tạo ra cả trong ngành dịch vụ và ngành công nghiệp và xây dựng chỉ mới được hơn 1,3 triệu (bao gồm cả lao động phi chính thức), tức là đã âm gần 300 nghìn việc làm, và xu hướng này đang tăng lên.

Nếu quá chú trọng vào phát triển những ngành công nghệ cao (và thường là thâm dụng vốn) thì sẽ đẩy nền kinh tế nước ta vào tình trạng lưỡng phân: một khu vực cạnh tranh được, có năng suất lao động cao, thu nhập tăng và một khu vực bị đẩy vào những thị trường phi chính thức không có năng lực cạnh tranh, thu nhập ngày càng giảm.

Điều này sẽ làm gia tăng bất bình đẳng trong xã hội, tăng nguy cơ bất ổn xã hội như dự báo của một số nghiên cứu gần đây.

Mô hình Lewis

Để giải quyết vấn đề ấy, nước ta phải chấp nhận những dự báo của mô hình Lewis: Chỉ khi giải quyết được hết lao động dư thừa trong khu vực phi chính thức và nông nghiệp, lúc đó nền kinh tế mới đạt trạng thái cân bằng để phát triển theo chiều sâu.

Nếu nền kinh tế vẫn còn hàng chục triệu người bị bỏ lại phía sau trong khu vực phi chính thức thì cho dù nền kinh tế đó có thu nhập cao (như Mexico) thì vẫn là nền kinh tế chưa phát triển, đầy mâu thuẫn xã hội, và không thể là mục tiêu mà nước ta hướng đến, nên phải thay đổi nhận thức về chiến lược phát triển trong thời kỳ hội nhập sâu như hiện nay.

Một là, cần đặt mục tiêu tạo việc làm trong khu vực chính thức là mục tiêu trọng yếu nhất trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Các chính sách phát triển kinh tế đều phải nhắm đến mục tiêu chuyển dịch lao động từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức, từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ.

Hai là, cần tận dụng tối đa TPP và các FTA phát triển những ngành có lợi thế so sánh dựa vào lợi thế như lao động (ngành thâm dụng lao động), lợi thế tự nhiên (một số ngành nông sản như cà phê, thuỷ sản...), những ngành có tính hạn chế thương mại như dịch vụ, cung ứng năng lượng, hoặc những ngành có chi phí vận chuyển hàng hoá quá cao. Những ngành này phải là lực lượng chủ đạo để hấp thụ việc làm từ khu vực yếu thế.

Ba là, muốn cạnh tranh thành công phải hình thành nên các DN sản xuất quy mô lớn và từ đó tạo lập nên các mối liên kết với các DN nhỏ làm các nhà cung ứng đầu vào, cung ứng các dịch vụ đầu ra, liên kết với các tổ chức cung ứng các dịch vụ cần thiết như kỹ thuật, lao động, tư vấn... để hình thành nên các cụm liên kết ngành.

Sức mạnh cạnh tranh mang tính toàn cụm và do DN dẫn đầu kiểm soát. Việc làm sẽ được tối đa hoá nếu hình thành được các cụm liên kết ngành. Nếu chỉ các DN đơn lẻ thì sức cạnh tranh của các DN sẽ bị chia nhỏ và do đó mức độ việc làm tạo ra sẽ rất hạn chế.

Các DN quy mô lớn (kể cả trong nông nghiệp) đóng vai trò đầu tàu của các cụm liên kết ngành này, tạo điều kiện cho DN nhỏ và vừa trong công nghiệp và dịch vụ kết nối và phát triển.

Bốn là, khai thác triệt để dòng vốn nước ngoài tràn vào do tận dụng lợi thế của Việt Nam là thành viên của TPP và các lợi thế về lao động, tự nhiên.

Một lần nữa số việc làm sẽ chỉ tối ưu nếu có các công ty đa quốc gia, xuyên quốc gia (TNC) thành lập cứ điểm sản xuất ở trong nước và có nhu cầu hình thành nên cụm liên kết ngành tại Việt Nam.

Nếu các DN nước ngoài không hình thành nên được các cụm liên kết ngành ở trong nước thì mức độ tạo việc làm tại Việt Nam cũng sẽ rất hạn chế.

Khả năng các DN Việt Nam tham gia được vào chuỗi giá trị sản xuất của các công ty TNC sẽ chỉ thành hiện thực khi các TNC có nhu cầu sử dụng nguồn cung tại Việt Nam và họ chỉ có nhu cầu này nếu sản xuất tại Việt Nam đủ lớn, vượt quá khả năng cung ứng của mạng lưới cung ứng hiện tại của họ.

Năm là, khuyến khích các DN lớn của nước ta sau khi tích luỹ tư bản đủ lớn, áp lực dư thừa lao động giảm thì tiến hành đầu tư trực tiếp ở một số nước thông qua việc mua lại các DN công nghệ cao của họ để phát triển công nghệ lõi cho chính mình.

>Thực phẩm organic - Hướng kinh doanh mới cho nông nghiệp Việt

>Nông nghiệp Việt Nam: Cạnh tranh phải song hành với đổi mới

> 5 tác động của TPP đối với nông nghiệp Việt Nam

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vào TPP, lao động ngành nông nghiệp sẽ về đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO