Ứng phó với kiện bán phá giá

DUY KHUÊ| 09/04/2015 06:20

Hội ngành nghề được xem là nhân tố đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó với nạn kiện cáo bán phá giá...

Ứng phó với kiện bán phá giá

Hội ngành nghề được xem là nhân tố đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó với nạn kiện cáo bán phá giá...

Đọc E-paper

Trong những hội thảo gần đây của các tổ chức hội ngành nghề, một nội dung thường được nhấn mạnh là các hiệp định thương mại tự do đòi hỏi doanh nghiệp (DN) Việt Nam phải mở rộng liên kết đa dạng và chặt chẽ hơn. Chẳng hạn, DN muốn xuất được nông sản thì phải kết hợp với nông dân để kiểm soát chất lượng trong chuỗi sản xuất, cập nhật thông tin, kỹ thuật.

Trong mối liên kết này, ngoài việc các cơ quan nhà nước hướng dẫn cho DN, thì các hiệp hội cũng nên có bộ phận cập nhật thông tin để thông báo kịp thời cho DN khi có những thay đổi về quy định xuất nhập khẩu, diễn biến thị trường...

Các DN cũng kỳ vọng có sự liên kết rộng hơn giữa các hiệp hội để giải quyết sự vụ phát sinh, đặc biệt là ứng phó với các vụ kiện chống bán phá giá. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) được xem là đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong các vụ kiện bán phá giá tại thị trường một số nước, đặc biệt là thị trường Mỹ.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, tôm và cá tra là hai mặt hàng chủ lực của thủy sản Việt Nam, chiếm hơn 50% giá trị xuất khẩu thủy sản mỗi năm nhưng đều bị điều tra bán phá giá tại Mỹ. Năm 2002, cá tra Việt Nam bị khởi kiện bán phá giá.

Tôm xuất khẩu của Việt Nam (bị khởi kiện năm 2007) đến nay vẫn tiếp tục bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá với mức thuế suất 4,57%. "Qua các vụ kiện, DN ngành thủy sản luôn xác định việc đối phó với các vụ kiện bán phá giá là nhiệm vụ song hành", ông Hòe khẳng định.

Không chỉ có VASEP, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (Hawa) cũng rất lo ngại về vấn đề chống bán phá giá tại thị trường Mỹ. Theo ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch HAWA, dù ngành gỗ chưa vấp phải vụ kiện bán phá giá ở thị trường Mỹ, nhưng trước việc đồ gỗ của Trung Quốc đang bị áp thuế chống bán phá giá 40% tại đây, cho thấy DN Việt Nam không thể lơ là với nguy cơ bị kiện bán phá giá.

Vì vậy, HAWA khuyến khích DN trong ngành dùng nguyên liệu của nước nhập khẩu để làm hàng xuất khẩu cho quốc gia đó, nhằm hạn chế việc truy xuất nguồn gốc gỗ.

Da giày, các sản phẩm từ cao su, sắt thép, tôn lạnh... của Việt Nam cũng đang có nguy cơ đối mặt với các vụ kiện bán phá giá. Kinh nghiệm từ VASEP cho thấy, nếu bị kiện, DN và hiệp hội cần phải đồng hành để chọn công ty luật có năng lực phù hợp.

Đồng thời, bản thân DN và các hiệp hội phải chuẩn bị để chủ động ứng phó trong các đợt xem xét hành chính về bán phá giá. "Đây là việc làm cần sự kiên trì, không phải là vài năm, mà đôi khi phải mất hàng chục năm để chứng minh DN Việt không bán phá giá”, ông Hòe nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ứng phó với kiện bán phá giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO