Ứng dụng AI - Cần nhiều lời giải cho thành phố thông minh

Lữ Ý Nhi| 08/10/2019 09:37

UBND TP.HCM vừa tổ chức hội thảo quốc tế “Kinh nghiệm quốc tế và trong nước về nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) - Khuyến cáo cho TP.HCM” nhằm  xây dựng chương trình “Xây dựng hệ sinh thái ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại TPHCM giai đoạn 2019-2025”.

Ứng dụng AI - Cần nhiều lời giải cho thành phố thông minh

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết những năm gần đây, Thành phố luôn xem AI là một phần trong quá trình phát triển. Từ năm 2015, Thành phố đã đưa các dự án ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào chương trình kích cầu với mức hỗ trợ lãi suất mỗi dự án lên đến 100 tỷ đồng.

Từ năm 2017, Thành phố đã tích hợp một số lĩnh vực trí tuệ nhân tạo vào đề án xây dựng TP.HCM thành đô thị thông minh, theo đó AI được kỳ vọng là hạt nhân xây dựng nền công nghiệp 4.0 trên toàn Thành phố và là nền tảng triển khai thành công đề án đô thị thông minh.

Bên cạnh những thành công đã đạt được, ông Phong cho rằng, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào sản xuất và đời sống còn chậm, thậm chí còn kém so với nhiều nước trên thế giới. Trong đó nguồn nhân lực chưa sẵn đón nhận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là một trong những điểm nghẽn kiềm hãm việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trên địa bàn Thành phố.

Ông Ousmane Dione - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, người dân TP.HCM ngày càng cảm nhận rõ những dấu ấn đô thị thông minh trong đời sống trên nhiều lĩnh vực như giáo dục, y tế, giao thông…

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh cũng khiến TP.HCM đang gặp nhiều thách thức về môi trường, giao thông, thoát nước… do đó rất cần những giải pháp thông minh để giải quyết vấn đề trên. Một trong những giải pháp thông minh đó là ứng dụng AI.

PGS-TS. Vũ Hải Quân - Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết, một thành phố trẻ với mật độ khoa học - công nghệ cao từ các trường đại học, viện nghiên cứu và khả năng thương mại tại chỗ từ hơn 10 triệu dân cư và 30.000 doanh nghiệp là cơ sở để TP.HCM đặt ra mục tiêu hình thành hệ sinh thái AI.

Để thực hiện mục tiêu xây dựng đô thị thông minh, phát triển công nghệ thông tin và đặc biệt là trí tuệ nhân tạo trên cần vạch ra những chiến lược rõ ràng kể cả ngắn hạn 2019-2020 hay dài hạn 2020-2030, trong đó ba mũi nhọn cần tập trung bao gồm: Công tác nghiên cứu và đào tạo, nắm bắt công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong đó, theo ông Quân việc đào tạo là quan trọng hàng đầu để có được nguồn nhân lực chất lượng cao.

"Thành phố có thể triển khai các nội dung đào tạo về AI cho các học sinh xuất sắc, đặc biệt là tại các trường THPT chuyên tại thành phố, bên cạnh xây dựng và triển khai các khóa học, chương trình đào tạo ngắn hạn để bồi dưỡng, nâng cao năng lực về nghiên cứu và ứng dụng AI. Ngoài ra, có thể triển khai các chương trình theo định hướng "ĐH chia sẻ" giúp lan tỏa và nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI tại Thành phố", ông Quân nói.

Theo TS. Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nắm bắt xu hướng phát triển mới của của trí tuệ nhân tạo trong thời gian gần đây, Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ ngành đã có những tham mưu kịp thời cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ một số chính sách thúc đẩy phát triển các công nghệ số, trong đó có trí tuệ nhân tạo. Cụ thể, đưa Trí tuệ nhân tạo vào Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, là một công nghệ đột phá, mũi nhọn cần triển khai nghiên cứu, phát triển đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa” với mục tiêu xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn trên tri thức của người Việt, phê duyệt Chương trình Khoa học và công nghệ trọng điểm KC4.0 và Kế hoạch triển khai Nghiên cứu và phát triển công nghệ AI đến năm 2025. 

Chẳng hạn, trong nông nghiệp, tập trung vào các mô hình hệ thống công nghệ nông nghiệp chính xác, kết hợp điều hành tự động và bán tự động trong canh tác từ xa; trong y tế, tập trung xây dựng các cơ sở dữ liệu y tế toàn dân; trong quản lý đô thị, xây dựng và quản lý thông tin từ các hệ thống quan trắc, các trạm đo chất lượng nước, chất lượng đất, chất lượng không khí… Ông Duy cho rằng, để AI thực sự đi vào đời sống, cần thiết nhất là sự hợp tác chặt chẽ giữa ba nhà: Nhà nước, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp, trong đó nhà nước với vai trò định hướng chính.  

04-09-25-AI-1-5904-1570479699.jpg

Ông Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghị

TS. Alvina Goh - Phó giám đốc Phòng nền tảng trí tuệ nhân tạo, thuộc Ban Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, Govtech Singapore đã mang đến cái nhìn tổng quan về các dự án trí tuệ nhân tạo và Govtech đã thực hiện cho các cơ quan khác nhau cũng như cách tiếp cận được áp dụng trong việc hỗ trợ các trường hợp sử dụng AI của Chính phủ.

Bà dẫn chứng, tại Singapore, AI được áp dụng trong nhiều trường hợp sử dụng khác nhau, từ chính sách đến vận hành. Ví dụ, bao gồm phân tích văn bản, chuyển lời nói thành văn bản, phát hiện gian lận và phân tích video. Về cơ bản, Govtech nhằm mục đích khuyến khích nhân viên phát huy tối đa khả năng của AI, cũng như tư duy về cách áp dụng AI và các vấn đề chuyên môn mà họ gặp phải.

Ứng dụng tiên phong trong ngành y tế

Ông Dương Anh Đức - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, cho biết hiện TP.HCM là địa phương tiên phong ứng dụng AI trong giải quyết các vấn đề xã hội. Đặc biệt, trong lĩnh vực y tế, các bệnh viện đã bắt đầu tiếp cận các ứng dụng AI để tăng chất lượng điều trị.

Theo PGS-TS-BS. Tăng Chí Thượng - Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, Bệnh viện Bình Dân đã trang bị robot ngoại tổng quát Da Vinci điều trị từ năm 2016. Đến nay, robot này đã phẫu thuật 687 ca bệnh với nhiều bệnh lý phức tạp. Bệnh viện Nhân dân 115 cũng triển khai phẫu thuật robot thần kinh Modus V Synaptive (thế hệ thứ 2) từ tháng 2/2019 và đã phẫu thuật 7 bệnh nhân với nhiều bệnh lý não phức tạp. Không chỉ vậy, bệnh viện này còn ứng dụng AI trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ. Bệnh viện Nhân dân 115 cùng Bệnh viện Gia An 115 là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam phối hợp triển khai toàn bộ phần mềm RAPID trong chẩn đoán và đưa ra cửa sổ điều trị mới đối với đột quỵ não cấp, lên đến 24 giờ. "Việc ứng dụng AI chuyên biệt trong xử trí đột quỵ chắc chắn sẽ mở ra cơ hội cứu sống và giảm nguy cơ bị tàn phế cho bệnh nhân", BS Tăng Chí Thượng đánh giá.

Là người trực tiếp thực hiện và giám sát các hoạt động ứng dụng AI trong công tác khám chữa bệnh tại Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, BS CKII Võ Đức Hiếu cho biết vừa qua bệnh viện đã triển khai ứng dụng thử nghiệm phần mềm AI trong tư vấn và hỗ trợ bác sĩ. Đây là phần mềm AI nổi bật "IBM Watson for Oncology" của Mỹ, xây dựng dựa trên nền tảng dữ liệu lớn về y khoa tiên tiến. Phần mềm AI này tập trung vào hai loại bệnh ung thư phổ biến là ung thư vú và ung thư đại trực tràng.

Qua thử nghiệm trên 103 bệnh nhân ung thư vú và 126 bệnh nhân ung thư đại trực tràng, BS Võ Đức Hiếu cho biết hệ thống có ưu điểm giúp các bác sĩ có thể cập nhật những phác đồ mới, bổ sung thêm thông tin và hạn chế những sai sót trong quá trình điều trị; đưa ra được các gợi ý điều trị cho hầu hết các giai đoạn, có hỗ trợ khá chuyên sâu về các phác đồ hóa trị, nội tiết; hỗ trợ tìm kiếm tài liệu một cách nhanh nhất; phát huy tối ưu hiệu quả khi áp dụng mô hình hội đồng chuyên gia (Tumor board).

Đột phá trong quản lý giao thông

Ở lĩnh vực giao thông, TP.HCM cũng đang có những đột phá khi ứng dụng AI. Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM, Trung tâm Điều hành giao thông thông minh hiện đã hoàn thành giai đoạn 1, sau khi đưa vào sử dụng Trung tâm Giám sát và Điều khiển giao thông từ đầu năm 2019. Trung tâm này đã đáp ứng được 4 chức năng chính, gồm: giám sát giao thông, điều khiển đèn tín hiệu, cung cấp thông tin giao thông và hỗ trợ xử lý vi phạm.

Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT, cho biết trung tâm hiện được lắp đặt, kết nối, tích hợp và chia sẻ dữ liệu của 775 camera giám sát giao thông. Từ hệ thống màn hình, nhân viên vận hành ghi nhận tình hình giao thông tại các nút giao có camera kết nối, từ đó chia sẻ với các đơn vị liên quan chủ động xử lý. Ngoài mạng lưới camera nêu trên, hệ thống đo đếm lưu lượng cũng được lắp đặt tại 118 vị trí, có thể tính toán tốc độ lưu thông trung bình, mật độ phương tiện và tự động đưa ra những cảnh báo. Hiện Sở GTVT đã hoàn thành và đưa vào sử dụng mô hình mô phỏng dự báo nhu cầu giao thông, góp phần định hướng xây dựng các chính sách cũng như kế hoạch quản lý.

Mới đây, Sở GTVT đã có một động thái nữa để đẩy mạnh ứng dụng AI trong giao thông khi kiến nghị UBND TP cho thí điểm các giải pháp ứng dụng AI quản lý giao thông thông minh tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất theo đề xuất của liên danh ba công ty. Khu vực này được đề xuất ứng dụng AI trong việc nhận diện tự động các phương tiện ra vào. Sau khi kết thúc thí điểm, toàn bộ thiết bị sẽ được bàn giao cho Sở GTVT tiếp tục khai thác, sử dụng.

Hệ thống camera giám sát sẽ được lắp đặt tại các điểm ra, vào khu vực sân bay và những tuyến đường xung quanh như Trường Sơn, Bạch Đằng, Hồng Hà... Hệ thống này tự động nhận diện biển số xe, phân loại từng phương tiện, xác định thời gian ra vào khu vực sân bay, đồng thời kiểm soát việc lưu thông trên các làn xe khác nhau, phát hiện tự động các trường hợp vi phạm trong quá trình di chuyển. Mức độ chính xác nhận diện phương tiện được đánh giá tối thiểu đạt 90%.

Các ý kiến cũng nhìn nhận, khi cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang phát triển với tốc độ nhanh thì cuộc chạy đua mang tên AI của những tập đoàn công nghệ trên thế giới cũng đang ở đỉnh điểm.

Riêng tại TP.HCM, việc ứng dụng công nghệ AI vào sản xuất và đời sống cũng như quản lý hành chính luôn được chính quyền Thành phố đánh giá là yếu tố quan trọng để xây dựng Thành phố phát triển nhanh, bền vững, sớm trở thành đô thị thông minh bậc nhất cả nước. Do đó, từ năm 2018, lãnh đạo Thành phố đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp ĐHQG TP.HCM cùng các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia trong lĩnh vực AI tập trung nghiên cứu, khảo sát, xây dựng chương trình "Xây dựng hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo tại Thành phố giai đoạn 2020-2025". Đây là chương trình có vai trò quan trọng để thực hiện thành công đô thị thông minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ứng dụng AI - Cần nhiều lời giải cho thành phố thông minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO