![]() |
TS. Vũ Thành Tự Anh hiện là Tổ trưởng Tổ tư vấn về chính sách phòng chống dịch và phục hồi kinh tế của TP.HCM |
Về mục tiêu trước mắt, theo TS. Vũ Thành Tự Anh, TP sẽ tìm mọi cách bảo vệ sinh mạng, bảo vệ sinh kế của người dân và tìm giải pháp giúp DN tồn tại, phục hồi.
Nhận định về diễn biến dịch sắp tới, TS. cho rằng sẽ không thể khống chế, giải quyết nhanh được. Bởi ông dự đoán, sắp tới có thể một loạt biến chủng mới xuất hiện tạo ra làn sóng dịch mới. Do vậy, "nên quán triệt chống dịch để sản xuất kinh doanh và duy trì sản xuất kinh doanh để đủ nguồn lực chống dịch lâu dài. Đấy là tinh thần của mục tiêu kép" - TS. khẳng định.
“Trong giai đoạn hiện nay, chống dịch phải đặt lên hàng đầu, khi còn người là còn tất cả”. TS Vũ Thành Tự Anh nói. Đồng thời thông tin thêm: "Nhìn lại đợt dịch thứ 4, tỉ lệ tử vong đang tăng lên đáng kể. Tính từ ngày 9/7 khi TP.HCM bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội theo CT 16 thì tỉ lệ tử vong là 0,2%, đến ngày 23/7 khi thực hiện các biện pháp tăng cường thì tỉ lệ tử vong lên đế 0,8% và đến ngày 30/7 là 1,29%. Tỉ lệ tử vong của chúng ta thấp hơn so với trung bình của thế giới, khoảng 2%".
![]() |
TS. Vũ Thành Tự Anh cho rằng bảo vệ sinh mạng người dân là mục tiêu quan trọng nhất (Ảnh: Zing.vn) |
Tuy nhiên, theo TS., nếu không bảo vệ thật tốt thành trì chống dịch thì không giữ được mục tiêu quan trọng là bảo vệ được sinh mạng người dân. Lúc đó rất khó nói chuyện sản xuất kinh doanh hay những vấn đề khác. “Chúng tôi tha thiết mong DN đồng hành cùng chính quyền và hệ thống y tế để chúng ta bảo vệ thành trì sức khoẻ, sinh mạng của người dân và trên cơ sở đó chúng ta sẽ phục hồi sản xuất kinh doanh” - TS. chia sẻ.
Về vaccine, TS. Vũ Thành Tự Anh cho rằng trong cách nhìn của Tổ tư vấn có hai công cụ rất quan trọng.
Một là, điều trị để bảo vệ sinh mạng, giảm ca chuyển nặng và giải pháp đẩy nhanh tiêm vaccine. Đến cuối năm nay, không chờ qua đầu năm sau, TP.HCM sẽ tiêm 2 mũi cho 70% người dân. Sở dĩ TP đặt ra mục tiêu này vì tính toán tới điểm rơi chống dịch là vô cùng quan trọng. Bởi TP.HCM đang cạnh tranh với các đô thị xung quanh như Singapore, Bangkok, Kuala Lumpur, với Jakata. Khi điểm rơi chống dịch của Việt Nam chậm hơn, tức là mở cửa chậm hơn. Đây sẽ là thiệt thòi vô cùng lớn cho TP.HCM và cả nước.
Thứ hai, bên cạnh việc tính toán điểm rơi để có chiến lược vaccine thì chiến lược điều trị, chiến lược y tế thích hợp là điều hết sức then chốt. Đây chính là tầm nhìn có tính chiến lược của TP.
Từ tính toán đó, trong giai đoạn vừa qua TP đã siết chặt các biện pháp phòng chống dịch với hy vọng đón điểm rơi chống dịch sớm, đón trước làn sóng đầu tư tài chính của các hoạt động kinh doanh sau khi làn sóng này qua đi, cạnh tranh với các đô thị trong khu vực.
“Nếu không ý thức được điều này, chúng ta dễ buông lỏng các hoạt động cho đại dịch có cơ hội kéo dài”, TS. nhấn mạnh. Và quả quyết: "Thà đau một lần nhưng đau ngắn, còn hơn là kéo dài và đau dài. Khi đó, chúng ta mất cả cơ hội phòng chống dịch cũng như mất cơ hội phục hồi kinh tế. Điều này cần sự đồng hành, thấu hiểu của người dân và cộng đồng DN".
Từ khi UBND TP có quyết định thành lập Tổ tư vấn về chính sách phòng chống dịch và phục hồi kinh tế, ông Tự Anh cho biết Tổ đã tập trung vào hai hoạt động chính.
Thứ nhất, liên quan đến phòng, chống dịch, thời gian qua TP.HCM đã xác định 5 trụ cột phòng, chống dịch: truy vết cách ly, giãn cách xã hội, xét nghiệm, điều trị và caccine. Tầm nhìn của tổ tư vấn là tập trung vào điều trị và vaccine, nhằm có thể kiềm chế dịch, điều trị cho những ca bệnh nặng, giảm tử vong và tạo ra miễn dịch cộng đồng.
Bên cạnh đó, ngoài các chính sách dịch tễ cần quan tâm đến các chính sách khác. Chẳng hạn như chính sách an sinh xã hội, chính sách bảo vệ và hỗ trợ DN, chính sách truyền thông, phối hợp với các sở ban, ngành và các địa phương trong vùng vì dịch không có tính chất cục bộ. Tổ tư vấn cũng đưa ra các mô hình lãnh đạo và quản lý trong khủng hoảng...
“Chúng tôi đang chuẩn bị kế hoạch phục hồi với giả định đến tháng 12/2021 chúng ta có miễn dịch cộng đồng nhờ chiến lược tiêm chủng”, ông Vũ Thành Tự Anh nói thêm.