Trong thiếu, ngoài thừa

PHƯƠNG QUYÊN| 28/02/2012 09:59

Khả năng cung cấp nguyên liệu gỗ chế biến trong nước cao hơn gấp ba lần so với nhu cầu thực tế nhưng gỗ vẫn thất thoát với giá bán rẻ hơn 4 lần.

Trong thiếu, ngoài thừa

Khả năng cung cấp nguyên liệu gỗ chế biến trong nước cao hơn gấp ba lần so với nhu cầu thực tế nhưng gỗ vẫn thất thoát với giá bán rẻ hơn 4 lần.

Ông Đỗ Xuân Lập, Phó Chủ Tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Bình Định cho biết, giá gỗ trong nước hiện là 3,2 triệu/m2, trong khi giá nhập khẩu lên đến 4,5 triệu/m2.

Do đó, thời gian gần đây, DN chế biến gỗ Bình Định chỉ dùng nguyên liệu trong nước, giúp giá đầu vào giảm hơn so với nhập khẩu khoảng 1/3.

Tiếp ứng cho nhu cầu này, nguồn cung nguyên liệu gỗ trong nước cũng tăng lên đáng kể.

 Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong giai đoạn từ 2005 đến nay, độ che phủ của rừng đã tăng đến 39,5% lãnh thổ và diện tích trồng rừng mới cũng tăng hơn 30%.

Trong năm 2011, nguồn cung trong nước đã cung cấp 12 triệu m3 gỗ cho xuất khẩu, ngành sản xuất chế biến gỗ chỉ nhập 4 triệu m3 gỗ.

Trước tiềm năng của nguồn nguyên liệu gỗ trong nước, điều ngạc nhiên là chính các DN chế biến và xuất khẩu gỗ lại là đối tượng kêu cứu.

“Cây tràm bông vàng, cây keo Việt Nam khi làm nguyên liệu chế biến đồ gỗ được khách hàng quốc tế rất ưa chuộng. Nhưng DN mua được không dễ dàng bởi cây vừa tầm 5 tuổi thì đã được lâm dân lẫn DN trồng rừng băm nhỏ, phục vụ xuất khẩu làm nguyên liệu sản xuất giấy.

Chỉ cần trồng thêm 3, 4 năm nữa thì gỗ sẽ phục vụ tốt cho thị trường đồ gỗ”, ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Mỹ nghệ TP.HCM (Hawa) bức xúc. Vì nghịch lý này mà đại diện các DN Hawa đã mạnh dạn đề xuất tăng giá xuất khẩu dăm gỗ Việt để “dành phần” cho DN chế biến gỗ trong nước.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Phúc, xuất khẩu dăm gỗ đã phát triển tại Việt Nam từ 1993 đến nay, đó chính là động lực thúc đẩy trồng rừng trong cả nước. Thị trường tiêu thụ gỗ rừng trồng miền Trung khoảng 60USD/m3. Lâm dân thấy bán gỗ có lợi nên mạnh dạn tham gia.

“Khác với nông nghiệp, lâm dân phải đầu tư trong thời gian dài, không thể chờ để bán đúng tuổi nếu gia đình khó khăn. Hơn nữa, đặc trưng khí hậu nước ta là 3, 4 năm lại có 1 trận bão lớn. Rừng gãy đổ thì phải tiêu thụ.

Do vậy, nguyên liệu giấy là thứ rẻ tiền nhất nhưng phải chấp nhận. Nếu đánh thuế xuất khẩu dăm gỗ, người nông dân sẽ là người chịu thiệt”, ông Phúc phân tích.

Là người trong cuộc, theo ông Lê Biên Hòa, Trưởng nhóm trồng rừng Kim Môn, xã Trung Môn, Gio Linh, Quảng Trị, để đáp ứng được nhu cầu của DN chế biến gỗ trong nước thì khó khăn của người trồng rừng phải đối mặt là cần có vốn để bám rừng từ 10 đến 12 năm. Ông Hòa chia sẻ:

“Một tấn gỗ dăm chỉ được 500 ngàn đồng, nhưng 1 tấn gỗ xẻ giá thu mua đến 2 triệu đồng, gấp bốn lần. Lâm dân biết điều đó nhưng rất khó bám vì thiếu vốn, nếu gặp khó khăn bất ngờ thì cũng đành chịu”.

Theo ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch Hawa, đơn đặt hàng từ nước ngoài trong năm 2012 không thiếu, nhưng cái khó là giá không hấp dẫn do chi phí đầu vào đã tăng khoảng 20% do ảnh hưởng từ lạm phát.

“Trong bối cảnh này bài toán lớn nhất mà DN phải giải là tiết giảm chi phí. Nếu có một chính sách tốt để điều phối nguyên liệu gỗ nội, chúng tôi tin, ngành sẽ có khả năng giữ được con số 3,9 tỷ USD giá trị xuất khẩu”, ông Thắng chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trong thiếu, ngoài thừa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO