Trong khối ASEAN, Việt Nam có vai trò rất quan trọng với Đức

PHƯƠNG QUYÊN thực hiện - Ảnh: Q.Hòa| 21/11/2012 04:47

Hợp tác đa phương, từ văn hóa, kinh tế đến chính trị giữa Việt Nam và CHLB Đức đang tiến triển mạnh mẽ. Điều này thể hiện rõ trong các hoạt động liên tục diễn ra chỉ trong vòng hơn 100 ngày tại nhiệm của bà Jutta Frasch, tân Đại sứ CHLB Đức. Trong chuyến công du vào TP.HCM, bà đã đến thăm và dành cho Báo Doanh Nhân Sài Gòn những chia sẻ thú vị.

Trong khối ASEAN, Việt Nam có vai trò rất quan trọng với Đức

Hợp tác đa phương, từ văn hóa, kinh tế đến chính trị giữa Việt Nam và CHLB Đức đang tiến triển mạnh mẽ. Điều này thể hiện rõ trong các hoạt động liên tục diễn ra chỉ trong vòng hơn 100 ngày tại nhiệm của bà Jutta Frasch, tân Đại sứ CHLB Đức. Trong chuyến công du vào TP.HCM, bà đã đến thăm và dành cho Báo Doanh Nhân Sài Gòn những chia sẻ thú vị.

Đọc E-paper

* Thưa đại sứ, gần bốn tháng ở Việt Nam, bà đã chứng kiến nhiều đoàn lãnh đạo cấp cao và doanh nghiệp (DN) lớn từ Đức sang Việt Nam. Có thể coi đây là những hoạt động cụ thể trong nỗ lực thực hiện mục tiêu hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Đức?

- Với tôi, hơn 100 ngày qua là thời gian rất bận rộn. Có đến ba đoàn lớn của Chính phủ Đức đến thăm Việt Nam, trong đó có đoàn của Phó thủ tướng, đoàn của Thủ hiến, sau đó là Thứ trưởng Bộ Hợp tác Kinh tế.

Chính phủ Đức đã ký kết hỗ trợ 272 triệu euro, tạo điều kiện để Việt Nam phát triển kinh tế. Những chuyến thăm này chứng tỏ sự hợp tác chính trị lẫn kinh tế giữa hai nước ngày càng tốt đẹp và Việt Nam là đối tác chiến lược của Đức, là điểm đến quan trọng để đầu tư.

Đơn cử như tháp tùng Phó thủ tướng là 50 DN lớn đến Việt Nam để tìm cơ hội kinh doanh. Các đoàn công du khác cũng thế.

* Các thỏa thuận đến nay được triển khai cụ thể như thế nào, thưa Đại sứ?

- Tôi nghĩ, vấn đề quan trọng nhất là ký kết chiến lược giữa hai chính phủ. Điều này đã thể hiện ở sự gia tăng rõ rệt trong quan hệ chính trị giữa hai quốc gia. Nhiều vòng đàm phán đã có kết quả nhất định, các dự án cụ thể cũng đã bước vào triển khai.

Trong đó có khá nhiều dự án ở TP.HCM. Cụ thể như dự án Ngôi nhà Đức sẽ được xây dựng tại khu vực TP.HCM. Khu phức hợp này sẽ có căn hộ, văn phòng của các công ty Đức, tạo điều kiện để DN Việt Nam tìm kiếm các cơ hội hợp tác dễ dàng hơn.

Đây là một dự án công tư liên kết. Chúng tôi đang tìm nhà đầu tư tư nhân để dự án sớm được thực hiện.

Còn một số dự án quan trọng khác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo như trường Đại học Việt Đức ở Bình Dương; dự án cơ sở hạ tầng; dự án Metro II sang năm có thể động thổ...

Đó là những dự án không chỉ tốt cho Việt Nam mà cho cả nhà đầu tư Đức. Hiện thực hóa những dự án đã ký kết giữa hai quốc gia là nhiệm vụ quan trọng của tôi trong thời gian tại nhiệm ở Việt Nam.

* Doanh nghiệp Đức có phản hồi gì sau những chuyến tìm hiểu môi trường đầu tư tại Việt Nam, thưa bà?

- Trong các cuộc trao đổi, tôi nhận thấy vấn đề các DN quan tâm nhất là môi trường để thu hút đầu tư. Không chỉ là các tập đoàn lớn mà những DN vừa và nhỏ cũng đang cần Việt Nam cởi mở hơn các điều kiện để thu hút đầu tư tốt hơn.

DN Đức muốn được đối xử bình đẳng, không phân biệt quy mô DN. Như Phó thủ tướng của chúng tôi đã nhấn mạnh, làm ăn với người Đức rất cần tin tưởng lẫn nhau. Việt Nam cần có khung pháp lý để nhà đầu tư yên tâm và phải rõ ràng, minh bạch trong chính sách.

Tôi có dịp đi thăm một số DN Đức đang hoạt động tại Việt Nam. Trong mắt DN Đức, Việt Nam được đánh giá rất cao với nhiều lợi thế như dân số đông, nhân lực được đào tạo tốt. Nhìn xa hơn, trong khối ASEAN, Việt Nam đóng vai trò và vị trí rất quan trọng đối với CHLB Đức.

* Ngoài đầu tư, bà đánh giá thế nào về khả năng đẩy mạnh giao thương giữa hai nước, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới và kinh tế EU còn khó khăn?

- Tôi nghĩ lãnh đạo các nước EU đã tìm ra giải pháp giải quyết khó khăn và khủng hoảng sẽ sớm qua đi. Việt Nam cũng như Đức cần chuẩn bị để đón các cơ hội mới sau khủng hoảng.

Việt Nam đang xuất khẩu sang Đức khoảng 3,5 tỷ euro/năm, ngược lại Đức xuất sang Việt Nam chỉ tầm 1,5 tỷ euro. Tuy nhiên, những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vẫn là sản phẩm truyền thống như: cà phê, gạo, may mặc, giày da...

Tôi nghĩ, Việt Nam cần đưa ra thị trường thế giới những sản phẩm cao cấp hơn. Muốn xuất khẩu sản phẩm cao cấp thì trước tiên phải chuẩn bị nhân lực cao cấp. Các dự án giáo dục của Đức tại Việt Nam cũng nhằm chuẩn bị cho vấn đề nhân lực này.

* Việt Nam và EU đã khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do vào tháng 6/2012 vừa qua. Sự ủng hộ của Đức đối với đàm phán này như thế nào?

- Như tôi đã nói ở trên, các chuyến thăm và làm việc của các đoàn ngoại giao, DN lớn từ Đức đã thể hiện sự quan tâm của Đức đối với Việt Nam. Việt Nam ngày càng trở thành một thị trường quan trọng đối với EU cũng như Đức.

Vì vậy, Đức hoàn toàn ủng hộ Việt Nam trong các đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do với EU trên nhiều phương diện và mong muốn Hiệp định này sớm thành hiện thực.

* Nhìn lại hơn 100 ngày tại nhiệm, bà có thể chia sẻ điều gì về việc giải quyết các khó khăn mà kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt?

- Tôi rất kỳ vọng vào khả năng kiềm chế lạm phát của Việt Nam. Đó là thành quả ấn tượng với nhiều nhà đầu tư. Câu hỏi lớn hiện nay là Việt Nam sẽ cải tổ bộ máy nhà nước như thế nào, kinh tế sẽ biến chuyển ra sao?

Hay các DN nhà nước sẽ vẫn giữ vai trò chủ đạo? Tôi theo dõi khá nhiều phiên họp Quốc hội trong thời gian ở Việt Nam và đang thắc mắc Việt Nam sẽ sử dụng tiềm năng chưa khai thác như thế nào.

Tôi nghĩ, chỉ trong 6 tháng tới sẽ biết Chính phủ Việt Nam hướng nền kinh tế đi theo hướng nào.

* Xin cảm ơn Đại sứ về những trao đổi này!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trong khối ASEAN, Việt Nam có vai trò rất quan trọng với Đức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO