Triển vọng kinh tế và những vấn đề đặt ra cho DNVN

05/07/2009 06:16

Tái cấu trúc nền kinh tế sau khủng hoảng là việc nhất thiết phải làm. Doanh nghiệp đóng vai trò hạt nhân trong nền kinh tế, chính vì vậy việc tái cấu trúc phải bắt đầu từ mỗi doanh nghiệp nhỏ.

Triển vọng kinh tế và những vấn đề đặt ra cho DNVN

Tái cấu trúc nền kinh tế sau khủng hoảng là việc nhất thiết phải làm. Doanh nghiệp đóng vai trò hạt nhân trong nền kinh tế, chính vì vậy việc tái cấu trúc phải bắt đầu từ mỗi doanh nghiệp nhỏ.

Một câu hỏi khá nhiều chuyên gia, doanh nghiệp quan tâm là: triển vọng của nền kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm 2009 và sang năm 2010 sẽ như thế nào? Đây là một câu hỏi không dễ trả lời, và sẽ là quá sớm nếu nhận định tình hình một cách chủ quan, rằng chúng ta đã “chống lạm phát thành công” và “vực dậy nền kinh tế đang suy thoái” bằng nội lực mà quên mất những tác động, cảnh báo nguy cơ tiềm ẩn.

Khó khăn vẫn chất chồng

Tăng trưởng kinh tế suy giảm, bộc lộ qua những con số của các tháng đầu năm 2009: sản xuất công nghiệp tăng thấp nhất so với nhiều năm trở lại đây (tăng chưa đầy 4,8% so với cùng kỳ), thương mại giảm sút, đầu tư nước ngoài sụt giảm, du lịch và xuất khẩu lao động sa sút… Nền kinh tế nước ta có độ mở khá lớn, kim ngạch xuất nhập khẩu trên GDP vượt quá 170%... nên tác động của việc suy giảm tăng trưởng thương mại thế giới có tác động tiêu cực với tăng trưởng kinh tế trong nước.

TS Đặng Xuân Thanh - Trưởng phòng Chính trị thế giới, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới cho rằng, việc thu hẹp các “đầu ra” chính cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam là Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản (thường chiếm khoảng 50% kim ngạch xuất khẩu) đã làm giảm động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, những con số tăng trưởng dương của nền kinh tế nửa đầu năm 2009, đặc biệt là tình hình sản xuất công nghiệp quý 2 liên tục tăng cao (tháng 4 tăng 3,1% so với tháng 3/2009, tháng 5 tăng 1,8% so với tháng 4 và tăng 6,8% so với cùng kỳ, tháng 6 tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2008) đã cho thấy những dấu hiệu phục hồi, khả quan của nền kinh tế.

Phân tích rõ hơn về những khó khăn của nền kinh tế thời gian sắp tới, TS Bùi Quang Tuấn - Phó Viện trưởng Viện kinh tế VN cho rằng: sau khủng hoảng, nhiều khả năng nền kinh tế thế giới sẽ không hồi phục một cách nhanh chóng theo hình chữ V mà hồi phục theo hình răng cưa (nghĩa là có sự tăng giảm từ từ). Đối với doanh nghiệp trong nước, khi các nền kinh tế xuất khẩu trọng điểm chưa phục hồi thì khó khăn vẫn còn. Trước hết, đó là việc xuất khẩu chưa thể đẩy mạnh, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) suy giảm… Tuy nhiên, trước sự tăng trưởng dương ở 2 quý đầu (3-4%) dù còn thấp so với mức tiềm năng nhưng cũng đã cho thấy những nỗ lực của chính phủ thông qua các chính sách cấp bách, những giải pháp kích cầu nội lực…

TS Bùi Quang Tuấn cũng đưa ra khá nhiều cảnh báo trước những sức ép về lạm phát có thể gia tăng (chính sách tiền tệ nới lỏng và chính sách tài khóa mở rộng + sức ép lên cán cân thanh toán và tỷ giá tăng + thâm hụt ngân sách lớn), sức ép của sự tăng trưởng không bền vững, sức ép về việc làm (thất nghiệp có thể lên tới khoảng 1,4 triệu người, đặc biệt là lao động không có tay nghề, lao động thời vụ…

Dù thách thức còn nhiều, nhưng đứng trên bình diện tổng thể, TS. Lê Duy Hiếu - Viện kinh tế VN cho rằng: “VN được hưởng lợi nhiều hơn so với những gì mất đi do khủng hoảng tài chính toàn cầu gây ra”. Cuộc khủng hoảng này cũng đã mang lại những có hội đầu tư công nghệ với chi phí thấp và cơ hội hội nhập tài chính ít rủi ro hơn. Dù thách thức còn nhiều, nhưng những triển vọng kinh tế đã hé mở trên thực tế. Vấn đề là từ chính sách vĩ mô đến các giải pháp thực thi của doanh nghiệp phải sao cho phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế.

Đã có những gam màu sáng

Những con số tăng trưởng dương của kinh tế nước nhà nửa đầu năm 2009 - trong điều kiện kinh tế thế giới suy thoái - mà cụ thể là GDP trong 6 tháng đầu năm đạt 3,9% - dù còn chưa đạt mục tiêu kế hoạch, song cũng đã cho thấy dấu hiệu hồi phục sớm của nền kinh tế cũng như khả năng thích ứng của hàng trăm nghìn doanh nghiệp - hạt nhân của nền kinh tế.

Theo TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam - VCCI, thì các doanh nghiệp của chúng ta đã tỏ ra khá vững vàng trước sóng gió và thử thách. Bằng chứng là rất nhiều doanh nghiệp, kể cả những doanh nghiệp có hoạt động chủ yếu phụ thuộc vào việc làm ăn buôn bán, xuất khẩu với các nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi suy thoái thì họ vẫn có những đơn đặt hàng tốt. Đồng thời, các gói kích cầu của chính phủ đã đến kịp thời với đông đảo doanh nghiệp nhỏ và vừa, giúp họ tồn tại trong điều kiện khó khăn.

Khả năng thích ứng của DN thời gian qua đã cho thấy triển vọng bước đầu của nền kinh tế, kể cả trong dài hạn. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, các DNVN đang đứng trước những cơ hội rất lớn để có thể tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, thách thức cũng không nhỏ. Trong bối cảnh hiện nay, các DN cần phải nhận thức được xu hướng vận động của nền kinh tế thế giới để đầu tư vào các thị trường sớm thoát ra khỏi khủng hoảng và hồi phục nhanh chóng nhất. Quan trọng nhất vẫn là các DN phải tận dụng cơ hội để rà soát lại các chiến lược của mình nhằm nâng cao sức cạnh tranh. Điều này đòi hỏi cần có sự hỗ trợ đồng bộ các giải pháp từ chính phủ, các bộ ngành đến khả năng tiếp nhận, thích ứng của mỗi doanh nghiệp.

Doanh nghiệp là hạt nhân của tái cơ cấu nền kinh tế

Theo TS. Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng - Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, trước một nền kinh tế thế giới đang biến đổi về chất, cạnh tranh quyết liệt hơn, các cú “sốc” diễn ra thường xuyên hơn (sốc về giá; sốc do mất cân đối toàn cầu; sốc do dịch chuyển vốn nhanh và lớn; sốc do việc áp dụng các hàng rào bảo hộ kỹ thuật; sốc do khủng hoảng…) thì sự phát triển bền vững của nền kinh tế, sự tồn tại và phát triển ổn định của DN phụ thuộc vào nỗ lực của cả DN và Chính phủ.

Đề án tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam được bắt đầu từ chính những tác động trực tiếp của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới tới nền kinh tế, mà hạt nhân của nó là hàng trăm nghìn doanh nghiệp, từ các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đến các DNNVV, các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp, làng nghề.v.v. Do vậy, đương nhiên, đề án tái cơ cấu nền kinh tế phải đem lại cơ hội trước mắt cũng như lâu dài cho doanh nghiệp, bởi mục tiêu của đề án này không có gì khác là nhằm phát triển bền vững nền kinh tế Việt Nam trước mọi biến cố, thử thách của thời cuộc.

Theo ông Vũ Xuân Tiền - TGĐ Công ty CP tư vấn quản lý và đào tạo VFAM Việt Nam thì trong đề án tái cơ cấu nền kinh tế - các DN không thể đứng ngoài cuộc được. Vấn đề đặt ra cho các doanh nghiệp chính là cần làm ngay việc tái cấu trúc DN để phát triển sau suy thoái, bởi vì: những khó khăn DN đã gặp phải khi lạm phát và khi nền kinh tế suy thoái có rất nhiều nguyên nhân, trong đó, nguyên nhân khách quan là từ những điều kiện vĩ mô của nền kinh tế, song, không thể không có những nguyên nhân từ sự yếu kém trong cơ cấu tổ chức, trong điều hành DN và quan hệ với khách hàng. Vì vậy, các DN cần nghiêm túc nghiên cứu, đánh giá những điểm yếu trong mọi lĩnh vực của mình và có biện pháp khắc phục kịp thời. Ngoài ra, việc chuyển hướng kinh doanh cũng là một trong những nội dung quan trọng của tái cấu trúc DN.

Chuyên gia kinh tế - tài chính Bùi Kiến Thành cho rằng, trong đề án tái cơ cấu nền kinh tế cũng như tái cấu trúc doanh nghiệp, vấn đề đặt ra là cần phải mạnh dạn xóa bỏ những cái cũ, cái lạc hậu để tìm hướng đi phù hợp, không nhất thiết phải có những dự án cực lớn trong khi khả năng không đáp ứng, hoặc quá tập trung đầu tư vào những tập đoàn trong khi hiệu quả không cao.

Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, Việt Nam có đầy đủ các cơ hội để hội nhập và phát triển một cách bền vững, trong đó, những vấn đề cơ bản mà thế giới cần chúng ta đều có, đó là năng lượng, lương thực và nguồn nhân lực. Vấn đề là chúng ta đang thiếu sự liên kết cũng như một tầm nhìn xa hơn về chiến lược tổng thể. Cần phải cân đối vĩ mô để điều hành vi mô, tạo ra được sự liên kết rộng và hợp tác sâu giữa các doanh nghiệp để có quy mô lớn mạnh…

Muốn làm được điều đó, theo TS. Võ Trí Thành thì có 3 giải pháp cơ bản cần được tính đến và thực thi trong đề án tái cơ cấu nền kinh tế cũng như tái cấu trúc doanh nghiệp.

Thứ nhất là việc xem xét lại hiệu lực, hiểu quả của các gói kích thích kinh tế cũng như tác động của nó đối với kinh tế vĩ mô để có sự điều chỉnh cho phù hợp; Thứ 2 là chính sách của chính phủ phải nhất quán cả trong ngắn hạn và dài hạn, điều này liên quan đến cả công tác cải cách hành chính, cơ cấu lại các DNNN, thị trường lao dộng, thị trường thương mại, tài chính… đặc biệt là trong phát triển kết cấu hạ tầng cả trong ngắn hạn và dài hạn; Thứ 3 là phải cập nhật thông tin, tìm hiểu, học hỏi thế giới, xem thế giới cơ cấu kinh tế ra sao, từ đó gắn với điều kiện trong nước để có chiến lược tốt hơn cho đề án tái cơ cấu kinh tế trong nước giai đoạn 2011-2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Triển vọng kinh tế và những vấn đề đặt ra cho DNVN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO