TP. Hồ Chí Minh tạo nền tảng hỗ trợ kinh doanh

NGUYÊN BẢO| 02/08/2016 01:32

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, doanh nghiệp nước ngoài mang vốn sang đầu tư vào TP.HCM, nếu không có cơ chế thông thoáng và tạo điều kiện cho nhà đầu tư thì khó để hiện thực hóa nội lực của Thành phố

TP. Hồ Chí Minh tạo nền tảng hỗ trợ kinh doanh

Ngày 1/8, trong phiên họp đầu tiên của UBND TP.HCM sau khi HĐND TP.HCM thông qua nhân sự nhiệm kỳ 2016 - 2021, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, Thành phố có đầy đủ nguồn lực để thực hiện mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á, nhưng trước hết phải tập trung xây dựng cộng đồng doanh nghiệp (DN) - nền tảng cho sự phát triển kinh tế. 

Đọc E-paper

Trước mắt, Thành phố phải thực hiện kịp thời và đầy đủ Nghị quyết 35 (NQ 35) của Chính phủ về việc hỗ trợ và phát triển DN, cụ thể là xác định công việc cần triển khai từ đây đến cuối năm. Trong tuần sau, UBND Thành phố sẽ công bố nội dung gói hỗ trợ DN theo NQ 35 để các sở, ngành căn cứ thực hiện.

Thành phố đang chuẩn bị gói 2.000 tỷ đồng để bổ sung cho chương trình kích cầu. Theo đó, Sở Khoa học và Công nghệ triển khai quy chế để thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm, đề xuất các giải pháp để hỗ trợ DN đổi mới công nghệ sản xuất.

Liên quan đến mục tiêu phát triển 500.000 DN, UBND Thành phố giao Học viện Cán bộ và Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM phối hợp để đưa ra đề án tổng thể, đề xuất lộ trình thực hiện, cơ chế, chính sách thực hiện mục tiêu này. "Lãnh đạo Thành phố đã cam kết tạo điều kiện tối đa cho DN hoạt động, cho nên phải thực hiện cho bằng được, không nói chung chung" - ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, các sở, ngành phải phân tích ưu thế lẫn hạn chế của từng ngành để khai thác, ứng phó kịp thời. Chẳng hạn, với ngành dệt may, Sở Công Thương cân nhắc liệu TP.HCM có thể trở thành trung tâm thiết kế của cả nước hay không, hoặc là nơi phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành này hay không, nhằm có giải pháp cụ thể và tập hợp cộng đồng DN lại chứ như hiện nay là khá rời rạc.

TP.HCM đang tập trung nâng cấp hạ tầng đô thị và tạo điều kiện để thu hút thêm đầu tư nước ngoài. Dù Thành phố vẫn nằm trong top 10 địa phương về thu hút vốn FDI nhưng 7 tháng đầu năm 2016, Hải Phòng, Hà Nội, Đồng Nai mới là ba địa phương dẫn đầu về thu hút FDI. Một số đơn vị tư vấn bất động sản cho rằng TP.HCM đang mất dần lợi thế cạnh tranh thu hút FDI là do quỹ đất để triển khai dự án không còn nhiều, giá thuê đất thuộc hàng cao nhất cả nước.

Nhưng theo Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, cần phải xem xét lại nhận định ấy, vì hiện KCN Hiệp Phước, KCN Tây Bắc Củ Chi quỹ đất vẫn còn và không có việc giá đất cao nhất nước. Ngay như Khu liên hợp Thể thao Rạch Chiếc vẫn còn quỹ đất 186ha. Vừa rồi, một nhà đầu tư Hàn Quốc đã bày tỏ ý định đầu tư đường đua xe đạp lòng chảo tại đây nhưng vấn đề họ băn khoăn là liệu khâu thủ tục có sớm hoàn tất hay không.

Rồi nhiều tập đoàn lớn của Singapore như Keppel Land, CapitaLand, Acendas bày tỏ mong muốn tiếp tục đầu tư vào TP.HCM. "DN nước ngoài mang vốn sang đầu tư vào TP.HCM, nếu không có cơ chế thông thoáng và tạo điều kiện cho nhà đầu tư thì khó để hiện thực hóa nội lực của Thành phố” - ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

>TP. Hồ Chí Minh tăng cường thu hút đầu tư từ Nhật Bản

>Thu hút đầu tư nước ngoài: Nhìn từ chỉ số PCI

>Việt Nam cần "tăng trưởng xanh" để thu hút đầu tư nước ngoài

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TP. Hồ Chí Minh tạo nền tảng hỗ trợ kinh doanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO