TP. Hồ Chí Minh: Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

P.V (tổng hợp)| 09/03/2017 08:52

Sắp tới, TP.HCM có thể triển khai mỗi tuần một sự kiện du lịch để thu hút du khách.

TP. Hồ Chí Minh: Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

TP.HCM vừa tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Chỉ thị 07-CT/TU ngày 16/9/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển ngành du lịch TP.HCM đến năm 2020.

Tại cuộc họp, nhiều doanh nghiệp lữ hành, nhà hàng, khách sạn… đưa ra nhiều kiến nghị, giải pháp hiến kế cho ngành du lịch Thành phố tăng tốc bứt phá trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội nghị, ông Tất Thành Cang - Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh, du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp mà TP.HCM có thể kết nối với các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đông Nam bộ, Tây Nguyên theo hướng đến một nơi mà đi được nhiều điểm.

Ông Cang nhận định, TP.HCM là một trong những trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước. Với lợi thế đó, Thành phố cần phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong thời gian tới. "Cần phát triển du lịch bền vững, bảo đảm an ninh xã hội…để thu hút du khách, khiến khách cảm thấy yên tâm, thoải mái khi đến TP.HCM", ông nói. 

Nghị quyết 08-NQ/TW đặt mục tiêu đến năm 2020, ngành du lịch Việt Nam thu hút được khoảng 20 triệu lượt khách quốc tế, 82 triệu lượt khách nội địa, đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ du lịch đạt 35 tỷ USD, tạo ra 4 triệu việc làm cho người lao động… Trước mục tiêu trên, ông Cang đặt câu hỏi cho các đại diện doanh nghiệp, sở, ngành về việc làm thế nào để phấn đấu đạt được những nấc doanh số như dự định.

Hiến kế phát triển cho ngành du lịch TP.HCM, theo ông Võ Anh Tài - Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, Chính phủ cần ban hành những cơ chế, chính sách đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành du lịch, trước bối cảnh hội nhập sâu rộng của Việt Nam với khu vực và thế giới.

Cụ thể, ông Tài đề xuất Chính phủ nên có chính sách ưu đãi thuế đất cho doanh nghiệp, miễn - giảm thủ tục làm visa cho du khách quốc tế để thu hút khách nhiều hơn. Doanh nghiệp đề xuất được chủ động cơ chế thí điểm để thu hút du khách. Ngoài ra, du lịch về đêm của TP.HCM còn hạn chế, đơn điệu, cần tạo ra nhiều điểm đến vui chơi, hấp dẫn về đêm cho du khách.

Ông Phan Xuân Anh - Chủ tịch HĐQT Công ty Du ngoạn Việt cũng chỉ ra một số quy định khiến ngành du lịch "khổ sở", như: Các trường dạy nghề cần có 15 tỷ đồng đặt cọc trong ngân hàng, phải sở hữu 1ha đất trong Thành phố, hoặc học viên học nghề đầu bếp khi ra trường đòi hỏi phải có chứng chỉ tiếng Pháp... "Chính cơ chế đang tự trói tay mình", ông Anh nhận định.

Phát biểu kết thúc hội thảo, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng khẳng định, cần đẩy mạnh triển khai đưa Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống bằng con đường ngắn nhất, nhanh nhất; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

"Du lịch là ngành kinh tế có tính liên ngành liên vùng, là ngành kinh tế tổng hợp, có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, để đẩy mạnh phát triển ngành kinh tế tổng hợp này thì cần phải có "tư lệnh" cho phát triển ngành du lịch. Chúng ta cần đánh giá đúng tiềm năng, thế mạnh ngành du lịch của địa phương. Sắp tới, Thành phố có thể triển khai mỗi tuần một sự kiện du lịch để thu hút du khách. Hãy nhìn sang Singapore để Thành phố không ngừng học hỏi, phát triển, khai thác tiềm năng du lịch một cách bền vững", ông Thăng nói.

>>Phát triển du lịch: Bài học từ người Thái 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TP. Hồ Chí Minh: Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO