![]() |
Tại kỳ họp thứ hai HĐND TP.HCM Khóa IX vừa qua, vấn đề ùn tắc giao thông trên một số tuyến đường trọng yếu của Thành phố được các đại biểu chất vấn liên tục. Phương tiện cá nhân (chủ yếu là xe máy, ô tô) đang tăng, trong khi đây là năm thứ ba, lượng hành khách của xe buýt sụt giảm (năm 2016 giảm 5,5%).
Về vấn đề này, ông Bùi Xuân Cường - Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM chia sẻ, khi mới khôi phục vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt (năm 2002), đạt 3,6 triệu hành khách, đến giai đoạn 2012 - 2013, tăng lên 11,6 lần. Sau nhiều năm, phương tiện vận tải công cộng này bộc lộ những hạn chế như xe xuống cấp, dịch vụ kém, đồng thời mức trợ giá giảm (từ 68% giai đoạn đầu hoạt động, nay còn 40%) nên người dân có xu hướng chuyển sang sử dụng phương tiện cá nhân để thuận tiện hơn trong việc đi lại.
Theo quy hoạch vận tải đến năm 2020, vận tải hành khách công cộng phải đáp ứng 20 - 25% nhu cầu đi lại của người dân (nay chỉ xấp xỉ 10%). Muốn đạt được mục tiêu này, Thành phố phải đưa các phương tiện vận tải hành khách công cộng mới vào hoạt động. Hiện xe buýt nhanh (BRT) đang triển khai tuyến số 1 trên đại lộ Võ Văn Kiệt và tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên phải sau năm 2020 mới đưa vào khai thác.
Cũng cần phải nói thêm, trong số tám tuyến Metro mà Thành phố quy hoạch, nay chỉ hai tuyến đã được bố trí vốn (ODA). Sáu tuyến còn lại, với mức đầu tư bình quân 2 tỷ USD/tuyến vẫn còn trong quá trình gọi vốn. Vì thế, trước mắt, để đáp ứng nhu cầu vận chuyển của người dân Thành phố, tháng 5 vừa rồi, Sở Giao thông - Vận tải đã có tờ trình UBND Thành phố về việc tập trung đổi mới toàn diện hệ thống xe buýt.
Trong tổng số 500 đầu xe, đến nay, Thành phố đã đổi 265 xe và tăng thêm 5 tuyến. Năm 2017, nếu đầu tư cho xe buýt, Thành phố sẽ ưu tiên xe CNG thân thiện với môi trường, đồng thời lắp 1.000 camera giám sát trên xe buýt để giám sát cung cách phục vụ. "Với sự đổi mới mạnh mẽ này, chúng tôi kỳ vọng lượng vận chuyển của xe buýt sẽ tăng từ năm 2017", ông Cường nói.
Song song với việc đổi mới phương tiện vận tải hành khách công cộng, Thành phố cũng ưu tiên đầu tư các tuyến đường trọng điểm. Ông Sử Ngọc Anh - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong thời gian tới, Thành phố sẽ bố trí vốn theo hướng ưu tiên khép kín các đường vành đai, tiếp theo là các trục hướng tâm (theo quy hoạch phát triển các khu đô thị vệ tinh) phía Tây Bắc, Đông, Nam để giãn dân.
Đặc biệt, tập trung giải quyết hai điểm nóng về ùn tắc gần đây (do quá tải) là trục đường hướng ra Sân bay Tân Sơn Nhất và Cảng Cát Lái thông qua việc mở rộng đường, xây dựng các nút giao thông (vòng xoay). Song, vấn đề hiện nay của Thành phố là nguồn vốn hạn chế nên đang ưu tiên kêu gọi doanh nghiệp (DN) tham gia theo hình thức hợp tác công - tư.
Hiện, riêng ngành giao thông có 64 DN đăng ký đầu tư dự án, trong đó có chín dự án đang triển khai thực hiện với tổng vốn 45.000 tỷ đồng, chuẩn bị khởi công bảy dự án với 20.000 tỷ đồng, đang nghiên cứu 16 dự án với tổng vốn 20.000 tỷ và có 32 dự án với 113.000 tỷ đang đề xuất đầu tư. Theo ông Sử Ngọc Anh, điều này cho thấy, DN cũng nhìn thấy tiềm năng khi tham gia đầu tư các công trình hạ tầng. Vấn đề còn lại là Thành phố sẽ tạo cơ chế thông thoáng ra sao.
>Thái Lan: Cảnh sát giao thông giảm cân... thưởng tiền
>Giải bài toán giao thông đô thị: Trước hết từ xe buýt
>TP.HCM: Hàng loạt dự án giao thông trọng điểm sắp khởi công