TP.HCM yêu cầu siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch

Ngọc Thoại| 20/06/2021 02:51

UBND TP.HCM vừa ban hành Chỉ thị khẩn nhằm siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP với mục đích nhanh chóng kiểm soát dịch Covid-19, đưa cuộc sống sớm trở lại bình thường.

TP.HCM yêu cầu siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch

Theo Chỉ thị khẩn số 10/CT-UBND do Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong ký ban hành, UBND TP.HCM yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện siết chặt và tăng cường 11 biện pháp trọng tâm.

Đầu tiên, UBND TP.HCM yêu cầu thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo của UBND TP.HCM về việc dừng tất cả các loại hình kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, dừng hoạt động các chợ tự phát, không tụ tập trên 3 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tuân thủ triệt để quy tắc 5K của Bộ Y tế.

Đồng thời, yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 1,5 mét giữa người với người tại các địa điểm công cộng và tăng cường xử lý nghiêm các hành vi vi phạm công tác phòng, chống dịch Covid-19 của các cá nhân, tổ chức. 

Lãnh đạo TP cũng yêu cầu mọi người dân chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp và các trường hợp khác do Sở Y tế hướng dẫn. Toàn thể người dân tự giác chấp hành các yêu cầu, biện pháp phòng, chống dịch, tích cực tham gia khai báo y tế tự nguyện, tự bảo vệ bản thân và gia đình.

Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu để phục vụ người dân và nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp, UBND TP.HCM cho phép được tiếp tục hoạt động nhưng phải đảm bảo khoảng cách an toàn giữa người lao động tối thiểu 1,5 mét, mang khẩu trang tại nơi làm việc, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn, đảm bảo không gian thông thoáng. Người đứng đầu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu trách nhiệm áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tại đơn vị, cơ sở, đảm bảo sức khỏe, an toàn tuyệt đối cho người lao động;

Ngoài ra, UBND TP.HCM cũng yêu cầu UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các chợ truyền thống trên địa bàn, và tạm dừng hoạt động đối với các chợ truyền thống không đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch.

Đối với các công ty, doanh nghiệp, tập đoàn, bao gồm cả các công ty có vốn đầu tư nước ngoài thì cần hạn chế tối đa hoạt động trực tiếp, chuyển sang hình thức làm việc trực tuyến, chỉ đến trụ sở giải quyết các công việc thật sự cần thiết và tuân thủ tuyệt đối quy tắc 5K của Bộ Y tế.

UBND TP.HCM cũng bắt buộc dừng các hoạt động hội họp không cần thiết. Trong trường hợp cần thiết phải tổ chức các cuộc họp, sự kiện, đảm bảo không tập trung quá 10 người trong một phòng, ngoại trừ các cuộc họp đặc biệt quan trọng được chính quyền địa phương cho phép và phải tuân thủ tuyệt đối quy tắc 5K của Bộ Y tế.

Tiếp đến, lãnh đạo TP cũng yêu cầu thực hiện việc cách ly, phong tỏa đối với các khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao để kiểm soát tình hình dịch bệnh tại các địa phương.

Gói biện pháp thứ ba dành cho các cơ quan, đơn vị nhà nước, các đơn vị thì cần đảm bảo yêu cầu về giãn cách trong quy trình làm việc, và được khuyến khích tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà (chỉ những trường hợp thật sự cần thiết như trực chiến đấu, trực chống dịch, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới đến làm việc tại công sở).

Các cơ quan, đơn vị nhà nước, các đơn vị cũng cần chú ý số lượng người làm việc không quá 1/2 tổng số người lao động để đảm bảo duy trì các nhiệm vụ của đơn vị và chỉ đạo của TP (riêng lực lượng vũ trang và ngành y tế đảm bảo 100% quân số). Đối với số lượng cán bộ công chức người lao động thuộc lực lượng tham gia phòng, chống dịch Covid-19 các cấp, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm phân công, bố trí phù hợp với yêu cầu công tác, đồng thời Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị căn cứ chương trình công tác, tổ chức giao việc cụ thể để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ trong năm 2021.

Thêm vào đó, cần đẩy mạnh việc giải quyết hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; tạm thời không nhận hồ sơ trực tiếp của người dân, doanh nghiệp (trừ trường hợp đặc biệt do Thủ trưởng từng cơ quan, đơn vị quyết định).

Gói giải pháp thứ 4 tập trung dành cho Sở Giao thông vận tải, theo đó UBND TP.HCM yêu cầu triển khai việc tạm dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng (đường bộ, đường thủy nội địa), hạn chế tối đa việc di chuyển của người dân theo chỉ đạo của UBND TP.HCM. Tuy nhiên, các trường hợp vận chuyển lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất vẫn hoạt động bình thường, nhưng phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch.

Đồng thời, Sở giao thông vận tải cần phối hợp Liên đoàn Lao động TP hướng dẫn và giám sát việc đưa đón công nhân, người lao động tại các nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp theo đúng khuyến cáo của ngành Y tế.

Trong gói giải pháp thứ 5 dành cho Sở Y tế, UBND TP.HCM yêu cầu Sở Y tế tăng cường năng lực xét nghiệm, trong đó tổ chức tầm soát lấy mẫu trên diện rộng tại các khu vực có nguy cơ cao, có trọng tâm, trọng điểm (khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao), đồng thời phải phối hợp với các cơ quan y tế của TP và đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn TP tổ chức xét nghiệm bằng nhiều biện pháp, phấn đấu thực hiện 500.000 mẫu/ngày.

Ngoài ra, Sở Y tế phải tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng, chống lây nhiễm trong cơ sở khám, chữa bệnh, khu vực phong tỏa, khu cách ly và công tác lấy mẫu xét nghiệm, và phải tiếp tục tăng cường điều tra truy vết, khoanh vùng dập dịch triệt để, xét nghiệm mở rộng các khu vực có nguy cơ cao để tìm kiếm và cắt đứt nguồn lây. Sở cần phải sử dụng test nhanh tầm soát ngay tại vùng có phát sinh ca bệnh,áp dụng xét nghiệm khẳng định đối với các trường hợp tiếp xúc gần sau khi có kết quả test nhanh.

Sở Y tế cũng cần triển khai nhanh việc mua trang thiết bị, dụng cụ y tế, đặc biệt là máy thở, máy theo dõi bệnh nhân, máy truyền dịch, máy lọc máu, không để các cơ sở y tế thiếu trang thiết bị y tế trong công tác cấp cứu, điều trị người bệnh.

Thêm vào đó, Sở Y tế được yêu cầu xây dựng các phương án, kịch bản và khả năng ứng cứu đối với trường hợp khẩn cấp về dịch, báo cáo UBND TP.HCM; mở rộng các khu cách ly tập trung phòng, chống dịch của TP.HCM. Sở Y tế cần đẩy nhanh tiến độ triển khai kế hoạch tiêm chủng vaccine đảm bảo tiến độ, đối tượng và an toàn trong công tác phòng, chống dịch, và phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông triển khai hệ thống quản lý công tác tiêm chủng vaccine Covid-19.

Trong gói giải pháp thứ 6 dành cho Sở Thông tin và Truyền thông, UBND TP.HCM yêu cầu đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân TP nhằm nâng cao nhận thức và ý thức tự bảo vệ sức khỏe của bản thân, tăng cường ứng dụng các giải pháp quản lý khai báo y tế điện tử, hỗ trợ điều tra dịch tễ bằng mã QR, và hướng dẫn cơ quan, đơn vị sử dụng công nghệ thông tin thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức, nguời lao động tại nhà.

Sở cũng phải thành lập Tổ Công tác công nghệ có thành phần tham gia của Sở Y tế, phối hợp với Trung tâm Công nghệ phòng chống, dịch Covid-19 quốc gia tham mưu các biện pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch của TP, tham mưu áp dụng biện pháp công nghệ thông tin trong giám sát đối tượng cách ly tại nhà, và tham mưu quy trình tiếp nhận phản ánh của người dân đối với các hành vi vi phạm quy định phòng chống dịch Covid-19 bằng các giải pháp công nghệ, chuyển các địa phương xử lý trong thời gian nhanh nhất.

Sở cũng cần xử lý nghiêm các hành vi đưa tin, chia sẻ thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận, gây ảnh hưởng không tốt đến công tác phòng, chống dịch của TP.

Đối với Sở Công Thương, trong gói giải pháp thứ 7, UBND TP.HCM yêu cầu đảm bảo cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho nhân dân trong mọi tình huống, và triển khai các hình thức đặt hàng trực tuyến, giao hàng tại nhà và giãn cách tập trung đông người khi mua sắm tại siêu thị.

Sở Công Thương cũng cần phải phối hợp Sở Y tế hướng dẫn cách thức xử lý, thực hiện khử trùng, sát khuẩn, cách ly và thay đổi các ca, nhóm làm việc, các điều kiện bắt buộc thực hiện đổi với các địa điểm kinh doanh bị tạm ngừng hoạt động do liên quan các ca nhiễm để sớm đưa vào hoạt động trở lại bình thường.

Đối với 2 gói giải pháp dành Công an TP, UBND TP.Thủ Đức và các quận - huyện, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND TP.HCM yêu cầu tăng cường chỉ đạo đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống tội phạm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm an ninh trật tự, vi phạm trong việc thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch bệnh; và cần rà soát, tổ chức cho người vô gia cư, lang thang, cơ nhỡ, sống tại nơi công cộng vào Trung tâm hỗ trợ xã hội để quản lý kiểm soát, phòng chống dịch.

Trong hai gói giải pháp cuối cùng, lãnh đạo TP.HCM yêu cầu Bộ Tư lệnh TP phối hợp Sở Y tế sắp xếp, mở rộng các khu cách ly tập trung của TP.HCM, và đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM và các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp cơ quan chức năng tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân chấp hành, tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch; đồng thời quan tâm chăm lo các đối tượng yếu thế, đảm bảo an sinh xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TP.HCM yêu cầu siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO