TP.HCM với 2018 - năm bản lề phát triển kinh tế

NGUYÊN BẢO| 07/02/2018 06:07

Tại cuộc họp về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và thu chi ngân sách tháng 1/2018 mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong ghi nhận những kết quả tích cực do các khu vực kinh tế mang lại.

TP.HCM với 2018 - năm bản lề phát triển kinh tế

Chỉ số phát triển công nghiệp của thành phố tháng 2/2017 tăng mạnh so với cùng kỳ, có đóng góp đáng kể của công nghiệp chế biến thực phẩm. Ảnh: QH

Theo đó, tháng 1 là thời điểm bắt đầu mua sắm phục vụ Tết Mậu Tuất, sức mua tăng dần và cao điểm vào khoảng nửa đầu tháng 2. Các doanh nghiệp trên địa bàn đã chủ động nguồn lực để sản xuất, phân phối hàng hóa phục vụ Tết. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ trong tháng ước đạt 87.712,3 tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ 2017 (số % tăng trong bài đều so với cùng kỳ 2017). 

Thêm nữa, chỉ số phát triển công nghiệp của Thành phố trong tháng ước tăng 15,04% (cùng kỳ tăng 3,82%). Trong đó, ngành công nghiệp là cơ khí chế tạo, điện tử, hóa chất - cao su - nhựa và chế biến tinh lương thực thực phẩm có mức tăng 19,6%, cao hơn mức tăng chung của toàn ngành.Cùng với đó, giá trị sản xuất của ngành nông lâm thủy sản ước đạt 962,7 tỷ đồng, tăng 6,5%.

Trong tháng 1, số doanh nghiệp được cấp phép thành lập tăng 23%. Đáng chú ý, có 3.640 lượt doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung kinh doanh, trong đó vốn điều chỉnh bổ sung tăng 40.567 tỷ đồng, so với cùng kỳ tăng gần gấp 3 lần về vốn bổ sung.

Link bài viết

Riêng đối với việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong kỳ báo cáo, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP.HCM, đã tăng 26,8%. Tuy nhiên, theo ông Sử Ngọc Anh - Giám đốc Sở KH&ĐT, để TP.HCM duy trì được vị trí dẫn đầu về thu hút vốn ngoại, việc cải thiện môi trường đầu tư, xúc tiến thương mại phải được thực hiện thường xuyên. Bên cạnh đó là việc chuẩn bị đất sạch để phục vụ nhu cầu nhà đầu tư và cơ chế phân vùng đầu tư theo ưu thế của từng địa phương cũng sẽ ít nhiều tác động đến dòng vốn vào TP.HCM.

Cùng với nỗ lực để đạt kết quả tích cực trong các khu vực sản xuất, thu hút đầu tư, năm 2018, TP.HCM được giao chỉ tiêu ngân sách nhà nước cao hơn năm trước, với 376.780 tỷ đồng (năm 2017 là 347.882 tỷ đồng). Để hoàn thành, mỗi tháng, Thành phố sẽ phải thu hơn 31.000 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, để có hơn 376.000 tỷ đồng cho ngân sách thì sản xuất phải tăng, GRDP của Thành phố cùng phải tăng tương ứng. Muốn vậy, các quận, huyện phải có kế hoạch cụ thể hỗ trợ phát triển sản xuất cho doanh nghiệp trên địa bàn.

Ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, năm 2018 là năm bản lề để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ X nhiệm kỳ 2015 - 2020. Sau Tết Mậu Tuất, các sở, ngành sẽ có cuộc họp về việc triển khai 7 chương trình đột phá của Thành phố. Quan trọng nữa là 21 nội dung của Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội Về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM phải được triển khai từ nay đến tháng 6/2018, nếu không Thành phố sẽ bị lỡ nhịp vì Chính phủ chỉ cho 5 năm để thực hiện thí điểm nghị quyết này. "Cần thiết, các cán bộ của Thành phố sẽ phải tăng cường làm việc ngoài giờ", ông Phong nhấn mạnh.

Nếu năm 2017, TP.HCM đóng góp hơn 31% ngân sách quốc gia thì năm 2018, số được giao lớn hơn nhiều, do đó đòi hỏi cả bộ máy phải nỗ lực để tìm giải pháp phát triển sản xuất, kinh doanh, mở ra môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút vốn ngoại, thu hút đội ngũ trí thức Việt kiều về đầu tư, đóng góp cho sự phát triển của Thành phố. Trách nhiệm của Thành phố là phải hoàn thành chỉ tiêu kinh tế - xã hội Thành ủy giao và đây cũng là kỳ vọng của nhân dân TP.HCM.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TP.HCM với 2018 - năm bản lề phát triển kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO